Hai “đại gia” điều chỉnh cước dịch vụ 3G: Nguy cơ độc quyền trở lại?
Cụ thể, MobiFone thông báo ngừng tiếp nhận đăng ký mới và gia hạn các gói cước internet 3G cũ, thay vào đó là tiếp nhận khách hàng chuyển sang dùng các gói cước mới có dung lượng lớn hơn trước. Theo đó, gói cước không giới hạn (gói Miu) mới có giá 50.000 đồng/tháng, hạn mức sử dụng dữ liệu cho tốc độ tối đa (7,2/1,5Mbps) là 600MB (giá cũ là 40.000 đồng/tháng, hạn mức là 500MB). Gói Miu dành cho học sinh, sinh viên lên 35.000 đồng, tăng 15.000 đồng so với trước… Nhà mạng Vinaphone cũng điều chỉnh gói cước internet 3G không giới hạn với tên gọi Max tương tự như kể trên. Như vậy, giá cước gói dịch vụ internet di động của MobiFone và Vinaphone đã được điều chỉnh ngang bằng với nhà mạng Viettel (gói cước Mimax) cùng 50.000 đồng/tháng.
Các nhà mạng khẳng định việc nâng cước thuê bao không phải tăng giá. Ảnh: Thanh Hải
Đại diện MobiFone khẳng định, đây không phải là tăng giá cước, mà là cung cấp các gói cước mới với dung lượng sử dụng tốc độ tối đa lớn hơn. Còn đại diện Vinaphone lại phân tích đại ý rằng, cước dữ liệu 3G tại Việt Nam thuộc diện thấp so với khu vực và thế giới. Lượng thuê bao cộng với doanh thu từ 3G chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn, việc điều chỉnh giá cũng nhằm mở rộng đầu tư và nâng cấp dịch vụ ngày một tốt hơn.
Các nhà mạng thì nói vậy, còn thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng mạng 3G, trong đó có việc tăng cường lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) 3G trên toàn quốc; nâng cấp hệ thống 3G lên 3,5G. Tuy nhiên, theo công bố của nhà mạng và của cơ quan quản lý nhà nước thì tỷ lệ người dùng vẫn chưa cao, chưa tương xứng. Mặt khác, chất lượng dịch vụ 3G cũng có những khu vực, thời điểm chưa tốt… Đại diện Ericsson Việt Nam từng cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ di động tại Việt Nam cần bổ sung thêm vùng phủ sóng và dung lượng mạng ở những nơi có mật độ sử dụng điện thoại, điện thoại thông minh (smartphone) là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để cải thiện chất lượng, vì những khu vực này có yêu cầu lưu lượng cao hơn mức độ đang cung cấp.
Trở lại câu chuyện điều chỉnh cước dịch vụ internet di động 3G của Vinaphone, MobiFone kể trên. Mặc dù các nhà mạng nói đó là không phải tăng giá mà là đưa ra gói mới có dung lượng, tốc độ truy cập lớn… nhưng với khách hàng, đó hiển nhiên là tăng giá. Có thể hiểu việc tăng giá bắt nguồn từ một số nguyên nhân, cụ thể là lượng người sử dụng dịch vụ còn chưa tương xứng với mức độ đầu tư của nhà mạng; kinh tế khó khăn, doanh thu giảm, tăng cước ở mảng dịch vụ nào đó cũng là cách bù đắp lại. Một nguyên nhân nữa không thể loại trừ đó là tăng cước trước thực trạng ngày càng có nhiều phần mềm, tiện ích miễn phí giúp khách hàng sử dụng được miễn phí nhắn tin, gọi điện (vốn là hai mảng doanh thu chủ chốt khiến nhà mạng bị thiệt hại)...Với khách hàng thì sao? Có lẽ 10.000 đồng/tháng tăng thêm không quá khó với họ nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, dịch vụ viễn thông vốn gần 10 năm qua luôn được đánh giá là chỉ có giảm giá, hoặc tăng tốc độ nhưng vẫn giữ nguyên giá, thì lần này lại tăng giá. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu giá có còn tăng nữa không và những dịch vụ nào sẽ tăng tiếp theo?
Điều đáng chú ý nữa là cả MobiFone và Vinaphone đều thuộc Tập đoàn VNPT, chiếm khoảng 60% thị phần di động cùng tăng giá, vậy khi hai "đại gia" này cùng "bắt tay" người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Đây có lẽ là vấn đề đặt ra cho sự phát triển của thị trường viễn thông trong thời gian tới khi nguy cơ độc quyền trong cung cấp dịch vụ viễn thông có thể quay trở lại…
Theo Việt Nga (Hanoimoi)
Bình luận