Khó quản lý dịch vụ văn hóa
Tang vật vi phạm trong lĩnh vực văn hóa bị cơ quan chức năng thu hồi, tiêu hủy.
Ở vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội có rất nhiều dịch vụ văn hóa phát triển và cũng như nhiều địa phương khác, công tác quản lý dịch vụ này ở Hà Nội gặp không ít khó khăn do chế tài quản lý, xử phạt chưa theo kịp sự biến đổi của thực tế đời sống xã hội.
Trên thực tế, vì lợi nhuận, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn Thủ đô cố tình "lờ" các quy định của pháp luật, sử dụng những "chiêu trò" để hút khách, trốn tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Theo quy định, các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh karaoke phải có diện tích phòng hát từ 20m2 trở lên, cửa phòng phải là cửa kính không màu, không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt các thiết bị báo động để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng; không được phép hoạt động sau 12h đêm đến trước 8h sáng... Nội dung quy định này đã được các cơ quan chức năng phổ biến, quán triệt đến từng hộ kinh doanh và yêu cầu các hộ ký cam kết không vi phạm. Nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa, bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH,TT&DL Hà Nội) cho biết: Nhờ "tai mắt" của nhân dân và sự kiểm tra liên tục của các cơ quan chức năng, công tác quản lý dịch vụ karaoke ở Hà Nội có những chuyển biến rất tích cực. Tuy vậy, Hà Nội hiện vẫn còn hàng trăm cơ sở kinh doanh karaoke mới mọc lên hoặc chưa có phép, tập trung nhiều ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Một số cơ sở đã được cấp phép nhưng lại có diện tích phòng hát, khoảng trống trên cửa để nhìn rõ từ trong ra ngoài, ngoài vào trong nhỏ hơn quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy, khi làm thủ tục cấp phép, các cơ sở kinh doanh xây dựng, thiết kế các phòng hát đúng theo quy định, khi có phép rồi họ chia nhỏ, tăng số phòng lên nhằm thu lợi nhuận. Hơn thế, một số cơ sở kinh doanh karaoke đồng thời là nhà ở của người dân nên khi kiểm tra phát hiện thấy vi phạm, các cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động, tháo dỡ biển hiệu thì các cơ sở này lùi vào hoạt động "bí mật". Chẳng may bị phát hiện, chủ nhà ngụy biện rằng người nhà, bạn bè đến chơi, vui vẻ thì hát chứ không phải khách hàng. Tinh vi hơn, một số hộ khi xây dựng cơ sở kinh doanh karaoke đã che chắn kín mít khiến người xung quanh tưởng là xây nhà, đến khi cửa hàng này đi vào hoạt động các cơ quan chức năng mới biết. Điều đó lý giải tại sao Hà Nội hiện vẫn còn những điểm kinh doanh karaoke sai quy hoạch.
Minh chứng cho nhận định này, bà Nguyễn Lệ Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Từ Liêm cho hay: Từ Liêm vẫn còn một số cơ sở kinh doanh karaoke không phép ở xã Phú Diễn, Mỹ Đình… do không nằm trong điểm quy hoạch hoặc không đủ điều kiện kinh doanh. Qua kiểm tra 25 lượt hộ kinh doanh karaoke trong 7 tháng đầu năm, đội kiểm tra liên ngành của huyện đã phải cảnh cáo, nhắc nhở 10 trường hợp, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp. Tương tự, hơn 70% cơ sở kinh doanh karaoke ở huyện Mê Linh chưa được cấp phép do không đủ điều kiện kinh doanh…
Riêng về vấn đề các nhà hàng có biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội, tuy không nhiều như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng có những cơ sở không xin phép mà vẫn biểu diễn nghệ thuật, hoặc tổ chức biểu diễn mà không thông báo tới các cơ quan quản lý. Vụ việc quán bar Next Top tổ chức cho Angela Phương Trinh biểu diễn phản cảm, bị dư luận lên án, các cơ quan quản lý văn hóa "tuýt còi" là một trong những minh chứng rõ nhất cho sự vi phạm này. Tình trạng băng đĩa hình không dán tem, trò chơi điện tử có nội dung không được phép lưu hành tuy không nhiều như trước, nhưng ngay trong tháng 9 này các cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy gần 6 vạn đĩa, 7.000 tem trắng dùng để dán lên mặt đĩa; 125kg nhãn mác đã in tên và hình ảnh các bộ phim không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Đây là những tang vật vi phạm do các cơ quan chức năng thu được trong 8 tháng qua. Đó là chưa kể lượng băng đĩa trôi nổi chưa phát hiện được.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội, cái khó trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa hiện nay là không có sự đồng thuận giữa các cấp quản lý. Ông Phong kiến nghị chính quyền cấp cơ sở nên đóng cửa cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm vì thẩm quyền cấp phép là của họ. Với dịch vụ băng đĩa hình, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, đối tượng vi phạm chủ yếu là người bán dạo, họ in vài chục đĩa rồi bán chứ rất hiếm khi lượng đĩa này được bán trong cửa hàng nên việc xử lý càng không dễ dàng. Còn việc xử lý các nhà hàng cố tình tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi không được cấp phép đến nay chưa có chế tài xử phạt. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, Nghị định 75, ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa cũng không có nội dung nào quy định xử phạt loại hình biểu diễn này. "Vụ phạt quán bar Next Top tổ chức cho Angela Phương Trinh biểu diễn phản cảm thời gian qua chúng tôi phải vận dụng linh hoạt các quy định để đưa ra mức phạt. Mức phạt hành chính 3,5 triệu đồng bị dư luận đánh giá là quá nhẹ, nhưng chúng tôi không có cách nào khác. Tôi cho rằng, mức xử phạt hành chính có thể không bằng chén nước chè đi chăng nữa nhưng danh dự, uy tín của cơ sở kinh doanh cũng như người bị xử phạt mới là điều quan trọng" - ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Với các hoạt động văn hóa dù là kinh doanh thì mục đích, lợi nhuận cao nhất vẫn phải là những giá trị văn hóa. Trước tình trạng các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa có nhiều cách "lách luật" như phân tích ở trên thì việc có một chế tài quản lý, xử phạt đủ mạnh đã và đang là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu.
Theo Minh Ngọc (HNM)
Bình luận