Chủ nhật, 12/01/2025, 14:46 [GMT+7]

Khẳng định sức mạnh chính nghĩa

Thứ hai, 12/05/2014 - 07:42'
Ngay sau khi bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 11-5, được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Hànộimới đã ghi nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PGS, TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:

Quan điểm mạnh mẽ của Chính phủ và người dân Việt Nam

Tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN, Việt Nam đã chính thức đưa ra công luận thế giới vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và triển khai nhiều tàu trong đó có tàu quân sự hỗ trợ cho hành động khiêu khích trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngang nhiên tấn công các tàu chấp pháp và ngư dân Việt Nam, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng, vi phạm trắng trợn Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông, một văn kiện mà ASEAN đã ký kết với Trung Quốc từ năm 2002. Việt Nam đã kêu gọi các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN, lên tiếng phản đối, đòi Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông, rút giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và toàn bộ các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đây là lời tuyên bố hết sức rõ ràng, minh bạch, mềm mỏng nhưng kiên quyết. Đây cũng là quan điểm mạnh mẽ của Chính phủ và người dân Việt Nam, buộc Trung Quốc phải chấm dứt thái độ ngang ngược. Là một công dân, một người làm khoa học, tôi rất hoan nghênh bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta đã hành động đúng đắn nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định để phát triển…

 

Tàu 8001 Cảnh sát biển Việt Nam ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu 8001 Cảnh sát biển Việt Nam ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

TS Bùi Chí Trung (Khoa Báo chí và truyền thông - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội): 

Khẳng định trách nhiệm trong cộng đồng

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuy ngắn gọn nhưng đã nêu bật được chính sách rõ ràng, nhất quán trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo cũng như đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam. Nội dung bài phát biểu toát lên sức mạnh của phía chính nghĩa, vì thế sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ bạn bè quốc tế nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng.

Trong bối cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN, bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã chỉ rõ mối đe dọa nghiêm trọng trong các hành động đơn phương nguy hiểm của phía Trung Quốc không chỉ nhằm vào Việt Nam mà ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các quốc gia ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đó thực sự là thách thức đối với ASEAN trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Thách thức đó đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết và nỗ lực hành động chung. Chỉ rõ những mối nguy hiểm cùng với việc chia sẻ những việc cần làm, Việt Nam đã khẳng định vị thế và thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng, luôn phấn đấu vì một môi trường hợp tác hữu nghị, bình đẳng, hòa bình…

Đại tá Nguyễn Huy Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB TP Hà Nội:

Tiếp sức mạnh mẽ cho con đường đấu tranh chính nghĩa

Bài phát biểu của Thủ tướng đã khẳng định được quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Không chỉ riêng tôi mà đa số người dân Việt Nam đều ủng hộ quan điểm của người đại diện cho dân tộc đã thay mặt cho nhân dân Việt Nam nói lên tiếng nói kiên quyết, hòa bình, hữu nghị, bày tỏ quan điểm bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dựa trên Công ước quốc tế. 

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và yêu cầu Trung Quốc hành xử theo con đường ngoại giao và đúng với luật pháp quốc tế. Là thế hệ đã trải qua chiến tranh, nhiều đồng đội hiện vẫn còn nằm lại nơi chiến trường để đất nước được độc lập, tự do như hôm nay, vì vậy, chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thực hiện đúng theo phương châm hòa bình, hữu nghị mà Việt Nam và Trung Quốc đã đề ra từ lâu nay.

Phó Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ (Hà Nội) Lê Trọng Khuê:

Đồng tâm hiệp lực cùng bảo vệ chủ quyền quốc gia

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống vào vùng biển thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là điều hết sức phi lý; đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. 

Tôi đồng tình rất cao với bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, được tổ chức tại Myanmar ngày 11-5. Bài phát biểu đã thể hiện quan điểm thống nhất, kiên quyết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam nguyện đồng tâm hiệp lực, cùng toàn Đảng, toàn quân bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh:

Thắng lợi bước đầu về ngoại giao của Việt Nam

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quan điểm chính thức của Việt Nam lên án hành động của Trung Quốc về vụ giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN là rất cần thiết, hợp lòng dân và được bạn bè thế giới ủng hộ. Đây là thắng lợi bước đầu về mặt ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN cũng như của Liên hợp quốc, do đó chúng ta phải đoàn kết với các nước trong khu vực và thế giới để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Hiến pháp 2013 khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời, do đó chúng ta kiên quyết không thể để cho bất kỳ quốc gia, thế lực nào xâm phạm chủ quyền đó. Vì vậy chúng tôi cũng đang nghiên cứu để góp ý, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển theo quy định về giải quyết tranh chấp tại Chương 15 Công ước quốc tế về Luật Biển. 

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: 

Buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam

Tôi rất ủng hộ lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24. Trong đó đặc biệt là việc Việt Nam đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ quy tắc ứng xử (COC). Tất cả nhằm mục tiêu cuối cùng là buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan của họ ra khỏi vùng biển của ta.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai: 

Thấy rõ trách nhiệm của hậu phương

Bài phát biểu của Thủ tướng trên diễn đàn quốc tế khiến chúng tôi, những người làm kinh tế thấy trách nhiệm của mình rất lớn. Đó là trách nhiệm phải làm tốt trách nhiệm của mình ở hậu phương để các chiến sĩ nơi tuyến đầu vững tâm, là trách nhiệm góp công sức, tiền của với Chính phủ để bảo vệ đất nước. Chúng tôi, hơn lúc nào hết sẽ và phải làm tốt vai trò chiến sĩ trên mặt trận kinh tế để đất nước sớm đủ sức mạnh đương đầu với bất kỳ kẻ thù nào.

 

Theo Nhóm PV/Báo Hànộimới

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...