Chủ nhật, 12/01/2025, 17:56 [GMT+7]

Khai thác, sử dụng các công trình văn hóa: Lỗi ở người quản lý, vận hành

Thứ ba, 05/08/2014 - 10:43'
Hà Nội có nhiều công trình văn hóa nhất cả nước song còn nhiều công trình chưa khai thác hết công năng, việc tổ chức hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu. Vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng các công trình văn hóa một cách hiệu quả đang là bài toán cần có lời giải thỏa đáng.

Cơ quan quản lý công trình văn hóa cần tổ chức các hoạt động phù hợp nhu cầu của công chúng. Ảnh: Thanh Đạm

Còn nhiều bất cập

Hà Nội hiện có không ít công trình văn hóa chưa phát huy hết công năng, hoặc đang xuống cấp. Bảo tàng Hà Nội, với nguồn kinh phí đầu tư hơn hàng nghìn tỷ đồng, đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010, nhưng đến nay, việc trưng bày hiện vật theo chuyên đề vẫn chưa hoàn thiện. 

Nhìn bề ngoài, công trình Thư viện Hà Nội rất hoành tráng, nhưng khi vận hành đã bộc lộ không ít bất cập. Theo Giám đốc Trần Văn Hội, đường dẫn xuống tầng hầm để xe của Thư viện Hà Nội quá dốc, quanh co, gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Hệ thống cứu hỏa sử dụng nước là không hợp lý bởi kho tài liệu của thư viện toàn giấy và máy tính; hệ thống thoát nước chưa phù hợp nên khi trời mưa to, nước từ bên ngoài chảy vào làm mục, hỏng trần thạch cao, gây đọng nước dưới sàn nhà… 

Theo đánh giá chung, "phần lõi" của nhiều công trình văn hóa chưa hoàn thiện là nguyên nhân cơ bản khiến cho thiết chế văn hóa thiếu tính hấp dẫn đối với công chúng. Năm 2010, lượng khách tham quan Bảo tàng Hà Nội đạt 289.900 lượt người thì tới năm 2011, con số này giảm còn 117.500 lượt người, năm 2013 tiếp tục giảm xuống còn 84.900 lượt. Năm 2011, Thư viện Hà Nội đón 300.000 lượt bạn đọc, năm 2013 chỉ còn 192.000 lượt… 

Cùng với một số công trình văn hóa trọng điểm, việc đầu tư, sử dụng, khai thác các công trình văn hóa cơ sở cũng còn nhiều điểm bất hợp lý. Huyện Chương Mỹ có số dân 30,5 vạn người, phân bố ở 32 xã, thị trấn nhưng đến nay vẫn chưa có trung tâm văn hóa. Diện tích xây dựng các thiết chế văn hóa thôn, xóm ở Chương Mỹ cũng chưa đạt tiêu chuẩn, chưa có sự thống nhất về diện tích, kiểu dáng, mẫu nhà, trang thiết bị chưa hoàn thiện… Điều bất hợp lý còn thể hiện ở chỗ toàn huyện Chương Mỹ còn gần 40 thôn, xóm chưa có thiết chế văn hóa, thể thao, trong khi có thôn sở hữu tới 5 nhà văn hóa. 

Đặt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nhưng hiện tại, quận Đống Đa còn tới 56,4% khu dân cư chưa có nhà văn hóa trong khi mật độ dân số trên địa bàn lên tới gần 4 vạn người/km2. Quận Đống Đa "bí" nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đến mức Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Nguyễn Trọng Hải đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép "xóa sổ" một số nhà vệ sinh công cộng không còn hữu ích để lấy đất xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. 

Nhà văn hóa học sinh - sinh viên Hà Nội nằm trên đường Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, ở nơi "đắc địa" mà hiện mới chỉ khai thác được hơn 50% "công suất". "Doanh thu từ việc khai thác hoạt động tại Nhà văn hóa học sinh - sinh viên Hà Nội trong năm 2012 và 2013 chỉ đạt gần 2 tỷ đồng/ năm, trong khi đó, ngân sách cấp cho Nhà văn hóa học sinh - sinh viên trong năm 2012 là hơn 8,8 tỷ đồng, năm 2013 là hơn 6 tỷ đồng", Giám đốc Nhà văn hóa Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết...

Những dẫn chứng trên phần nào phản ánh thực trạng quản lý, khai thác sử dụng một số công trình văn hóa trọng điểm cũng như hệ thống thiết chế văn hóa ở Hà Nội hiện nay. 

 Công tác quản lý, khai thác Bảo tàng Hà Nội chưa như mong muốn. Ảnh: Hoàng Hải

Công tác quản lý, khai thác Bảo tàng Hà Nội chưa như mong muốn. Ảnh: Hoàng Hải

Chất lượng đội ngũ cán bộ - Yêu cầu số một

Khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc khai thác, sử dụng công trình văn hóa chưa hợp lý là do chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, mô hình quản lý thiếu phù hợp. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Nuôi cho biết: "100% công trình văn hóa ở huyện Hoài Đức đã có nội quy, quy chế hoạt động nhưng lại chưa có mô hình chung phù hợp, chưa có đội ngũ đủ năng lực đứng ra tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn". 

Chất lượng đội ngũ không chỉ là vấn đề của Hoài Đức. Huyện Chương Mỹ dành chỉ tiêu thi công chức cho cán bộ văn hóa cấp xã nhưng không đủ người dự thi. Số cán bộ đang công tác thì chưa được đào tạo bài bản, chưa đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Trong thực tế, nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa thôn, xóm, khu dân cư thường do đại diện cấp ủy hoặc trưởng thôn đảm nhận. Ông Tô Anh Luật, Trưởng thôn Yên Khê, xã Đại Yên (Chương Mỹ) nói: "Tôi chưa từng được đào tạo về quản lý văn hóa cơ sở nhưng vừa phải làm trưởng thôn, vừa lo vận hành nhà văn hóa, tổ chức tất cả các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao của thôn. Tôi làm việc vì tránh nhiệm và niềm đam mê nhưng cũng không thể cáng đáng hết các phần việc của nhà văn hóa. Vì thế, một số hoạt động của nhà văn hóa vẫn diễn ra tự phát". Để hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phát huy hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm kiến nghị các cơ quan chức năng dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà văn hóa, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở. 

Đối với các công trình văn hóa lớn ở nội đô, việc thu hút công chúng đến tham quan, sinh hoạt trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin, các chương trình vui chơi, giải trí là điều không dễ dàng. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Thư viện Hà Nội đã chủ động liên doanh, liên kết với các nhà xuất bản, câu lạc bộ, các hội, đoàn thể để tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện, giới thiệu sách theo chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm sách, báo, tài liệu… Bảo tàng Hà Nội bước đầu phối hợp với một số đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động ngoài trời, vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật để làm phong phú hơn kho hiện vật của bảo tàng…

Trên thực tế, hướng liên kết để phát triển đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và một số nhà hát triển khai thành công. Kinh nghiệm cho thấy, thay vì thụ động chờ cơ chế, chờ đợi nguồn kinh phí đầu tư, những người phụ trách các công trình văn hóa cần chủ động tổ chức hoạt động phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng và bản sắc văn hóa của địa phương. Muốn vậy, điều cốt yếu là phải tạo dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, nhiệt tình để nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo Hà Hiền/hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...