Khen, chê cũng cần đúng cách
Phản ứng tâm lý thông thường của con người khi được khen thì khoái chí, vui vẻ, sung sướng và tâm lý chung là thích nghe khen hơn là chê; nghe khen dễ hơn là nghe chê. Nhưng sống trên đời, không có chuyện chỉ có đúng mà không bao giờ sai, chỉ có ưu điểm mà không bao giờ có khuyết điểm, bởi vậy không thể chỉ có khen mà không có chê. Xã hội luôn cần có những lời khen, chê để hoàn thiện hơn nhưng người đưa ra lời khen hay chê cần phải có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực đó và công tâm thì mới chê đúng, khen đúng được.
Dù trận bán kết lượt về AFF CUP giữa Việt Nam và Malaysia chưa kết thúc, nhưng rất đông khán giả đã ra về. (Ảnh: Kim Sơn).
Nói về chuyện khen, chê ở ta thời gian gần đây lại càng có nhiều điều để bàn khi internet và truyền thông ngày càng phát triển. Mới đây nhất là việc đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) gây thất vọng ở thời điểm được kỳ vọng nhất trong trận bán kết lượt về AFF Cup tối 12/12 với Malaysia. Nhìn dòng người lũ lượt đổ về Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình trước trận đấu có thể thấy sự kỳ vọng của người hâm mộ sau màn trình diễn hoàn hảo với chiến thắng 2-1 tại Shah Alam. Và, khi đó truyền thông cũng như người hâm mộ đã “hào phóng” tặng cho ĐTVN biết bao nhiêu là mỹ từ nhưng rồi… tất cả uất nghẹn khi chỉ sau 45 phút đầu, ĐTVN đã để thủng lưới tới 4 bàn ngay trên sân nhà và kết thúc thảm bại với tỷ số 2-4, dừng chân trước ngưỡng cửa “thiên đường”. Lời khen mới chỉ trước đó vài ngày đã thay bằng thái độ chì chiết và “nghi án bán độ”. Thua trận tất cả đều thất vọng, nhưng đừng vội tung hô họ khi thành công và rồi lại hắt hủi, lãng quên họ khi thất bại.
Con đường trở thành một ngôi sao hay để được thừa nhận là tài năng trong các lĩnh vực xã hội luôn đầy khó khăn, đi kèm muôn vàn thách thức, mà nhiều khi, nguyên do lại đến từ chính những người ủng hộ, ca ngợi và cả những chỉ trích. Bởi, lời tung hô hay chỉ trích quá đà có thể là "con dao hai lưỡi". Rất nhiều những người trẻ có tài năng của Việt Nam đã từng bị “con dao hai lưỡi” này làm cho “lao đao”. Có thể kể đến điển hình như trường hợp của cầu thủ trẻ Công Phượng của ĐT U19 Việt Nam. Với những gì thể hiện được, cái tên Công Phượng liên tục xuất hiện trên trang đầu của các tờ báo, trang tin, truyền hình. Các nhà báo, đài truyền hình dành cho Công Phượng những lời hoa mỹ, tung em lên "mây xanh" ngang với các huyền thoại bóng đá thế giới đương đại. Nhưng không lâu sau đó, cầu thủ 19 tuổi này phải hứng chịu không ít chỉ trích khi bỗng dưng nổ ra việc tranh cãi về tuổi thật của Công Phượng. Đài truyền hình Việt Nam "nhập cuộc", Tổng cục TDTT ra công văn, VFF lập đoàn kiểm tra rồi Sở Tư pháp Nghệ An cũng được yêu cầu xác minh trường hợp này. Liên tục bị "dồn vào chân tường" vì nghi án gian lận tuổi, nhưng khi ồn ào qua đi thì một cậu bé 19 tuổi với niềm đam mê bóng đá nhận lại được gì? Có lẽ là cách tự mình vượt qua những khó khăn "trên trời rơi xuống" mà thôi.
Không chỉ bóng đá, một số tài năng trẻ trong lĩnh vực khác đã chịu nhiều áp lực của truyền thông, khán giả. Những ngày đầu năm 2014, game Flappy Bird dường như là từ khóa hot nhất trên các trang tìm kiếm, mạng xã hội Việt Nam cũng như thế giới. Đáng nói hơn, game đang khiến dư luận thế giới ngỡ nàng, vì nó được viết ra bởi một chàng trai Việt - Nguyễn Hà Đông. Khi Flappy Bird trở thành sự kiện hot trong cộng đồng mạng di động, được giới truyền thông quan tâm, săn đón, hàng loạt những ý kiến kiểu như: “ăn may thôi chứ có gì hay”, “game ngớ ngẩn thế mà sao lắm kẻ thích”, “trò nhảm vậy mà thu được lắm tiền thế”… Cộng đồng mạng cũng “sục sôi” đặt ra đủ loại nghi vấn về sự “thần kỳ” khi một tờ báo công nghệ nước ngoài tiết lộ Nguyễn Hà Đông bỏ túi 50.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ VND) mỗi ngày từ Flappy Bird. Sau những ồn ào, sáng 10/2, game Flappy Bird chính thức bị tác giả “khai tử” khỏi kho ứng dụng iOS và Android. Game Việt đầu tiên đình đám trên thế giới “chết yểu” là một trong những minh chứng rằng, không ít người Việt đang có cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí, quá khắt khe trong việc công nhận tài năng hay thành công của người khác. Các ca sĩ "nhí" như Phương Mỹ Chi, Quang Anh còn non nớt hơn nhiều, nhưng cũng bắt đầu phải chịu đựng lối khen, chê rất không thích hợp của người lớn. Hay cậu bé “thần đồng” Nhật Nam được quan tâm, rồi chê bai, khiển trách chỉ vì cậu say mê, ước muốn khác với các em cùng tuổi.
Sự cực đoan trong việc đánh giá của nhiều người đã khiến ý kiến riêng biến thành một sự chỉ trích nặng nề, một thói quen khó bỏ hơn là cách để trình bày quan điểm. Có thể những người đánh giá, chê bai cho rằng, đó đơn giản là ý kiến riêng của mình, nhưng họ không biết rằng, những lời chê bai này khiến những người mới bắt đầu tìm đến thành công cảm thấy sợ hãi. Bởi vậy, thay vì cảm nhận chủ quan, hãy đánh giá một cách công bằng.
Đưa ra lời bình phẩm khen hay chê dễ dãi, đều có thể dẫn tới sự tùy tiện, làm người tiếp nhận khen - chê thay vì suy nghĩ, hành động cải thiện bản thân xứng đáng với sự kỳ vọng, lại có thể suy nghĩ tiêu cực. Vì thế, nếu không cẩn trọng trong đối xử với tài năng trẻ, báo chí, người hâm mộ dễ làm thui chột họ, chứ không giúp họ trưởng thành. Với những tài năng trẻ, thay vì những lời chỉ trích, chê bai khó nghe, những lời ví von thô thiển, những lời khen thái quá hãy đưa ra những lời chúc mừng, động viên, cổ vũ cho sự cố gắng của họ.
Đây là chuyện của con trẻ, đang trên con đường phát triển tài năng. Còn đối với người lớn, nhất là những cán bộ - công chức trực tiếp ảnh hưởng đến sự vận động, phát triển của xã hội, có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, thì việc “khen, chê” lại càng phải đúng. Những lời chê trách thiếu thiện cảm, hẳn sẽ khiến người bị phê bình cảm thấy bị tổn thương hay nặng nề hơn đó là cảm giác bị xúc phạm. Những lời chê trách kiểu như vậy chắc hẳn không thể là một phương pháp để nâng cao hiệu suất hay ý thức cá nhân.
Chê nhất định phải thẳng thắn, nhưng khen ngoài thẳng thắn còn phải công tâm. Đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, cần phải công minh. Không thể xem việc khen như món đồ trang sức làm đẹp để mỗi dịp gặp mặt mọi người ai cũng tặng cho nhau, vuốt ve nhau. Cần xóa bỏ tư tưởng trung hòa “món ngon cùng hưởng, mật ngọt cùng chia”, tất cả cùng khen để tất cả “tốt” như nhau. Tất cả những điều đó sẽ dần dần triệt tiêu động lực phấn đấu của mỗi người.
Mỗi người trong chúng ta khi lớn lên, đến trường đều đã được giáo dục: Khen không chỉ cho thấy tài năng người được khen mà còn cho thấy bản lĩnh, nhân cách của người khen. Chê mà để người được chê tâm phục khẩu phục và hàm ơn là bậc thầy. Chê không đúng, chê sai là tự mình tạo ra sự xem thường. Khen không đúng, khen bừa là tự mình hạ nhân cách mình. Bởi vậy, dù là khen hay chê cũng nên có sự hiểu biết và khách quan, nhất là khi đưa ra lời khen chê cho những tài năng đang phát lộ.
Theo Hồng Ngọc/HNM
Bình luận