Kiên quyết và đồng bộ
Ảnh minh họa.
Đây là thông tin tốt, khơi gợi hy vọng, bởi nó đến trong bối cảnh vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang làm nhức đầu nhà quản lý, tác động xấu tới nền kinh tế và đời sống của nhân dân, có lúc vượt qua ý nghĩa kinh tế đơn thuần. Dư luận chưa hết ngạc nhiên về vụ "cờ Trung Quốc trong túi nho Việt Nam" ở Siêu thị Big C, giờ vẫn chưa có kết luận được cho là thỏa đáng, là ví dụ. Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu là mối họa quốc gia. Mấy loại ấy không chỉ gây hại cho nền kinh tế, làm lãng phí tiền của, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân và niềm tin vào nhà sản xuất trong nước, mà còn thúc đẩy thói quen, tâm lý thỏa hiệp với cái xấu của nhà kinh doanh, phân phối sản phẩm và người tiêu dùng. Số liệu cho thấy trong dịp đầu năm nay, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 800 vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, số tiền phạt lên tới 10 tỷ đồng. Trên phạm vi toàn quốc, mỗi lúc lại có thêm loại hàng giả, hàng nhái bị phát hiện, gây bất bình. "Cam Trung Quốc núp bóng cam Vinh", cửa hàng Made in Việt Nam nhập nhèm hàng ngoại chất lượng kém, vỏ hộp cà phê G7 Trung Nguyên… in chữ Trung Quốc. Mỹ phẩm giả tràn lan, thuốc lá lậu mua đâu cũng có. Quần áo, túi xách, giày dép nhãn hàng nổi danh toàn cầu có xuất xứ "chợ trời" Quảng Châu, cứ gọi là ê hề…
Tác động xấu của hàng nhái, hàng giả đã tới độ không thể chậm trễ trong việc tìm kiếm giải pháp mới về quản lý ngành, giải pháp kiểm soát thị trường nói chung bởi những giải pháp đã có đã được triển khai thực hiện trong một thời gian dài, có sự tham gia của nhiều lực lượng chuyên ngành nhưng chưa dẹp bỏ được tâm lý, thói quen kinh doanh - tiêu dùng hàng nhái, hàng giả. Có thêm lực lượng chuyên trách, đặc nhiệm, về lý thuyết có thể coi đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy thế, lại phải nói thêm về điều kiện cần có để lực lượng đặc nhiệm về quản lý thị trường tạo hiệu quả kiểm soát thị trường trong tương lai. Giải pháp mới, lực lượng mới, dù gì cũng phải bảo đảm tinh thần kiên quyết đấu tranh đến cùng với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái; cách thức triển khai thực hiện nhiệm vụ chung cần rõ tính đồng bộ, minh bạch về trách nhiệm, tránh chồng chéo để rồi ai cũng có trách nhiệm nhưng không ai chịu trách nhiệm khi việc xấu xảy ra. Câu chuyện mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng trong thời gian dài vừa qua là một ví dụ điển hình. Ta có liên ngành chống buôn lậu, quản lý thị trường có trong biên chế từ cơ quan trung ương tới tỉnh, thành phố, nhận lương vì việc được giao, vậy mà khi thị trường tràn ngập mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc (được bày bán công khai trong suốt nhiều năm), không có cơ quan nào chính thức nhận trách nhiệm là sao?
Việc kiểm soát thị trường trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu, thực tế đời sống cho phép đưa ra nhận định đó. Giờ đây, việc đó có thêm nhân tố đem lại hy vọng. Nhưng hy vọng chỉ có thể thành sự thật nếu có cách để nhân tố mới phát huy thế mạnh kiểm soát thị trường. Cách nào? Thực hiện ra sao? Làm thế nào để hoạt động của lực lượng mới bảo đảm hiệu quả thực tế và thể hiện tính minh bạch? Đó là việc, là trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường và bộ chủ quản.
Theo Dục Tú (HNM)
Bình luận