Làm gì để thu hút người tài?
Tại buổi tọa đàm về vấn đề thu hút tài năng trẻ mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đề nghị các nhà khoa học trẻ giúp ông làm rõ 3 thắc mắc: Vì sao chúng ta tự hào có trí tuệ nhưng đất nước không phát triển nhanh như kỳ vọng? Vì sao người trẻ giỏi bây giờ không có nhiều nguyện vọng làm việc trong các cơ quan Nhà nước? Vì sao nhiều người giỏi đi học tập ở nước ngoài không muốn trở về nước làm việc?
Phải tự thích nghi
Tại tọa đàm, có nhà khoa học trẻ cho rằng không nên đặt câu hỏi vì sao người trẻ đi du học rồi không muốn về Việt Nam mà nên quan tâm đến những người đi du học đã về làm việc ở Việt Nam rồi nhưng lại đi tiếp. Theo nhà khoa học trẻ này, hiện tượng này mới thật là “đau”.
Thực tế việc du học rồi ở lại nước ngoài là chuyện bình thường. Theo nhà khoa học trẻ Phạm Văn Phúc (Phó trưởng Phòng Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM): Nước nào cũng có nền giáo dục để phục vụ sự phát triển của nước đó, những nước càng tiên tiến, mục đích phát triển của họ càng cao thì khoa học cơ bản càng được trọng dụng. Nếu mình học khoa học cơ bản mà về Việt Nam thì môi trường nghiên cứu rất hạn hẹp, chưa nói đến việc phát triển.
Chia sẻ thêm về những băn khoăn của Bộ trưởng Nguyễn Quân, anh Dương Trọng Hải, giảng viên ĐH Quốc tế ĐHQG TPHCM kể câu chuyện của chính mình. Anh nói: “Tôi ở Hàn Quốc 4 năm làm nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ; có nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Từng có thời tôi chạy theo số lượng các bài báo khoa học bởi đây là một trong những thứ làm nên tên tuổi của các nhà khoa học nghiên cứu khoa học cơ bản”.
Nhưng rồi về nước anh bắt đầu thấy việc theo đuổi khoa học cơ bản ngày càng khó khăn và lãng phí. Khó khăn về kinh phí, môi trường và lãng phí vì dường như việc đầu tư cho khoa học ứng dụng được chú trọng hơn. Trong khí đó, rất nhiều công trình khoa học cơ bản khác anh Hải biết đến chỉ cần nghiên cứu ứng dụng thêm một chút là có thể chuyển giao được công nghệ.
“Nước mình còn nghèo, tại sao chúng ta không chọn việc đi tắt đón đầu, ứng dụng các thành tựu đã được khoa học thế giới chứng minh để áp dụng sớm vào sản xuất, nâng cao giá trị lao động”.
Đây là điều băn khoăn nhất của anh Hải khi về nước và anh đang chuyển dần sang nghiên cứu khoa học ứng dụng chứ không còn nhất mực theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản như anh được đào tạo tại Hàn Quốc.
Nhiều nhà khoa học trẻ cho rằng những người được đào tạo ở nước ngoài, trở về và làm việc tại Việt Nam ổn định là những người biết thích nghi. Thích nghi bằng cách tự chuyển hướng nghiên cứu hoặc tìm ra con đường riêng cho mình để phát triển.
Cơ chế để tạo niềm tin
Nhiều nhà khoa học trẻ tại Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nêu thắc mắc là Luật Khoa học công nghệ có từ năm 2013, nhưng đến giờ, Bộ KH&CN chưa tổ chức thi nâng ngạch lần nào. Giấy tờ hướng dẫn có nhiều nhưng chưa thấy chính sách “chạm” được đến những nhà khoa học trẻ.
Những nhà khoa học trẻ tìm kiếm giá trị kinh tế bằng chính những phát minh, sáng chế của mình thì rất lo lắng về cơ chế đảm bảo sở hữu trí tuệ. Anh Phạm Văn Phúc băn khoăn: “Với 15 triệu đồng cho tấm bằng sở hữu trí tuệ, tôi không hiểu tôi sẽ được bảo hộ những gì. Liệu đâu đó trên đất nước này hoặc thế giới này có người lợi dụng sáng chế của tôi thì tôi có biết được không? Nếu biết được tôi sẽ được bảo hộ như thế nào?”.
Với những va vấp đã gặp phải trong quá trình chuyển giao sáng chế, anh Phúc cũng chia sẻ thật lòng hiện các nhà khoa học thường chọn cách không mô tả kỹ lưỡng về sáng chế hoặc sản phẩm đăng ký sở hữu trong giấy đăng ký sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, khi bằng sáng chế được chuyển giao cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài thì họ thường thắc mắc sao sản phẩm không chính xác như trong đăng ký sở hữu trí tuệ... Và đó cũng là khó khăn của các nhà khoa học trẻ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng thẳng thắn chia sẻ với các nhà khoa học trẻ, Bộ KH&CN đã từng thử nghiệm việc tự chủ ở các cơ quan thuần nghiên cứu khoa học. Quan điểm của Bộ đề xuất mức lương nhà khoa học được chi trả tùy vào mức độ cống hiến. Tuy nhiên, để làm được hiệu quả việc này thì cần thống nhất các chính sách về tài chính, nội vụ. Nhưng đây là cả một quá trình rất dài.
Theo ông Trần Văn Tùng “chúng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường nhưng phải chuyển kịp về tư duy. Trước kia tiêu tiền của Nhà nước là phải đúng, đủ nhưng giờ phải nghĩ cầm đồng tiền Nhà nước tiêu phải có hiệu quả, phải sinh sôi được những đồng tiền đó thì mới thúc đẩy được người lao động nói chung và các nhà khoa học nói riêng”.
Với những người trẻ, cơ chế quan trọng nhất để phát huy sức lao động, sáng tạo chính là lòng tin đối với họ. Như chia sẻ của chị Trương Hải Nhung (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM) việc các nhà khoa học trẻ được gặp lãnh đạo đầu ngành khoa học, được gặp cả Thủ tướng là niềm vinh hạnh rất lớn. Điều đó tiếp sức cho các nhà khoa học trẻ như chị rất nhiều để đóng góp trí tuệ của mình cho nền khoa học nước nhà.
Lắng nghe những thắc mắc về chính sách chưa đến được với các nhà khoa học trẻ, ông Trần Văn Tùng cho biết hiện những chính sách Bộ KH&CN đang nghiên cứu không phải theo hướng đưa được chính sách vào cuộc sống mà phải đưa cuộc sống vào ngay các chính sách sẽ ban hành. Những chính sách đó sẽ có hơi thở và sức sống mạnh mẽ như tinh thần của những nhà khoa học trẻ.
Theo Đỗ Hương/chinhphu/16:11, 16/12/2015
Bình luận