Lại thêm nhím theo chân dê, gà “đi nhầm” nhà!?
Nuôi nhím trong hộ gia đình. (Ảnh minh họa. Nguồn: vinhphuc.vn).
Ngày 2/4, Phòng Nông nghiệp huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, đã thành lập tổ điều tra nhằm xác minh việc 16 con nhím giống cấp cho người dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đã “chạy lạc” vào nhà "quan xã" Quế Long, huyện Quế Sơn. Điều đáng nói là vụ việc được “ém nhẹm”, sau hơn 3 năm mới bị phát hiện.
Chuyện là, năm 2011, UBND huyện Quế Sơn có giao cho UBND xã Quế Long một số tiền để thực hiện dự án phát triển sản xuất. Sau đó, UBND xã Quế Long lập phương án nuôi nhím thương phẩm để hỗ trợ nhân dân trên địa bàn xã. Năm 2012, UBND xã Quế Long dùng số tiền mua 12 con nhím để cấp phát cho người dân. Theo qui định, các hộ dân được cấp phát nhím phải là hộ tiên tiến trong sản xuất, từng trải qua các đợt tập huấn về chăn nuôi… sẽ nhận giống nhím về nuôi, sau đó nhân rộng mô hình, giúp địa phương giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, số nhím này không đến được tay người dân mà lại “đi nhầm” vào nhà của 3 cán bộ xã bao gồm: Ông Trần Hữu Sáu, Phó Bí thư Đảng ủy xã và ông Đỗ Văn Kiên, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, mỗi người 5 con; ông Đỗ Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã nhận 6 con.
Liên quan đến vụ việc, Thường trực Huyện ủy Quế Sơn đã quyết định giao cho Phòng Nội vụ và Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy tham mưu, hướng dẫn UBND xã và cấp ủy xã tổ chức kiểm điểm xử lý về chính quyền, về Đảng đối với những cá nhân có sai phạm trên trước ngày 15/42015. Đồng thời đã dừng bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND xã đối với Phó Chủ tịch UBND xã Quế Long - ông Đỗ Đình Hùng, do nhận nhím giống sai đối tượng về nuôi.
Trước đó, Quảng Nam đã làm xôn xao dư luận liên quan chuyện hơn 1.200 con gà cấp cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ nông thôn mới lại “chạy nhầm” vào nhà bí thư, chủ tịch, cán bộ xã. Liên quan vụ việc này, ngày 31/3, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về việc thu hồi tiền và kiểm điểm trách nhiệm hàng loạt cán bộ xã Quế An, Quế Sơn.
Hiện cả 2 vụ việc này đang khiến dư luận bức xúc vì tất cả đều nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước triển khai với mục đích giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
Đáng lẽ, những chuyện như thế này phải được đem ra bàn bạc với dân trước rồi mới quyết định thì sẽ không gây hậu quả đáng tiếc. Điều đáng bàn nữa là những chuyện như thế này đều do dân phát hiện ra. Vậy công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại cơ sở diễn ra như thế nào?
Có thể nói, chuyện 12 con dê “đi nhầm” vào nhà Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa), hay hơn 1.200 con gà “chạy nhầm” vào nhà bí thư, chủ tịch, cán bộ xã và bây giờ là chuyện nhím “theo chân” gà, dê “đi nhầm” vào nhà cán bộ xã ở huyện Quế Sơn vô hình trung đã làm “méo mó” những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Những câu chuyện này cũng phần nào cho thấy "cách làm giàu" của một số ít người mệnh danh là “công bộc” của dân nhưng lại có hành vi tham nhũng "vặt". Xét về mặt giá trị kinh tế thì không thật sự lớn, nhưng thiệt hại lớn nhất là gây mất lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước.
Nói về những trường hợp như thế này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng bình luận, đây là hành vi thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. “Hành vi ăn chặn, bản thân nó đã xấu xa, nhưng việc ăn chặn của người nghèo lại càng xấu hơn. Nói thẳng ra đó là hành vi ăn cướp, chiếm đoạt tài sản..." ông Vũ Quốc Hùng nói.
Trong khi Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân phát triển kinh tế, thì những hành vi của các cán bộ trên cần phải được lên án mạnh mẽ và cần phải xử lý thật nghiêm khắc để làm gương cho đội ngũ “công bộc” của nhân dân, chứ không thể sẽ chỉ họp rút kinh nghiệm và yêu cầu trả lại bằng tiền hoặc hiện vật. Làm như vậy có thể sẽ lại “tiếp tay” cho “quan tham” hoành hành. Bởi vì những mối lợi nhỏ họ còn không bỏ qua, thì ai dám chắc, những mối lợi lớn hơn không làm họ bị "mờ mắt"?
Qua những vụ việc này, dư luận cũng đang đặt câu hỏi: Liệu trên thực tế còn bao nhiêu con dê, con gà, con nhím, hay những con gì khác nữa của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chưa bị phát hiện "đi nhầm nhà"?!.
Theo Thu Hà /CP
Bình luận