Lấn chiếm lòng lề đường - nguy cơ tai nạn giao thông
Những hình ảnh phản cảm, lộn xộn thường xuyên diễn ra tại ngã tư cây xăng Đoàn Kết (đường Vừ A Dính, phố Chiêu Tấn, đường Ngô Quyền, phường Đoàn Kết) với việc người mua, người bán ồn ào, nhốn nháo, hàng hóa bày tràn 2 bên lề đường. Nhiều hàng hoa quả, xe bán đồ ăn nhanh đỗ, dừng ngay giữa ngã tư đường; nhiều người đi xe máy thậm chí là cả ôtô vô tư dừng ngay dưới lòng đường mua hàng. Trong khi lưu lượng người, xe qua lại khu vực này khá đông, khiến con đường vốn không rộng, nay lại càng bị thu hẹp. Vì vậy, lưu thông qua đoạn đường này rất khó khăn, nhất là giờ tan tầm.
Bà con tràn ra lòng đường Ngô Quyền bán hàng. Ảnh chụp ngày 2/10/2019.
"Mỗi chiều tôi đều phải đưa đón con qua khu vực này, vất vả lắm mới qua được, đi không khéo là va chạm ngay. Người bán cứ bán, người mua cũng ngang nghiên đứng ngay trên lòng đường, ra sức còi mà họ coi như không" - anh Lê Hữu Đồng (tổ 11, phường Đoàn Kết) bức xúc.
Không riêng khu vực ngã tư gần cây xăng Đoàn Kết, khi chúng tôi đi thị sát nhiều tuyến đường tiếp giáp các chợ ở trên địa bàn thành phố, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ cũng diễn ra khá phổ biến. Khu vực xung quanh chợ Tân Phong, Đông Phong, Trung tâm thương mại… người dân ngang nhiên lấn chiếm lòng, lề đường bày bán từ mớ rau đến đồ dùng sinh hoạt, hoa quả, thịt cá… Có cung ắt có cầu, việc này khiến người mua thêm tiện lợi vì chỉ có khi vẫn ngồi trên xe máy là có thể mua được hàng.
Ngay gần Trung tâm Hội nghị – Văn hóa tỉnh, trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh nơi có rất đông phương tiện giao thông qua lại, nhất là giờ cao điểm, một số gia đình sinh sống ở đây kinh doanh ăn nhanh. Tuy nhiên, không có chỗ đỗ xe nên buộc người dân và cán bộ, công chức khi tan sở ghé qua mua đồ ăn phải dừng xe ngay trên lòng đường, gây phản cảm và khó khăn cho các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.
Mặc dù các cấp, ngành chức năng thành phố đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, nhưng luôn trong tình trạng "tái lấn chiếm" và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/5/2016 với trường hợp vi phạm này, mức xử phạt cao nhất sẽ từ 4 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này dường như chưa đủ sức răn đe.
Một khó khăn nữa là việc nhiều người dân vùng cao, tranh thủ xuống chợ bán mớ rau, củ măng hay hoa quả tự trồng với hình thức buôn bán nhỏ, không đăng ký khu vực bán hàng, do đó phải ngồi tại hàng lang, vỉa hè, vận động nhắc nhở khu này thì bà con ra khu khác ngồi. Những trường hợp này, hầu hết có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tài sản giá trị gây khó khăn trong việc cưỡng chế đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ. Nếu chỉ thu hồi tang vật vi phạm vài mớ rau, vài kilogam trái cây… như hiện nay thì thật nan giải.
Lý giải về tình trạng trên, ông Lê Văn Đức - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là ý thức của một số bộ phận người dân với tâm lý thuận tiện buôn bán. Xuất phát từ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ở nhiều chợ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu nên nhiều tiểu thương mang hàng hóa ra ngoài đường bán và tạo thành thói quen khó thay đổi. Từ đó, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn các vụ va chạm, mất an toàn giao thông. Bởi việc họp chợ và dừng xe như vậy đã lấn chiếm hết lối đi của các phương tiện lưu thông khác trên đường, nguy hiểm đến tính mạng cho người bán lẫn người mua.
Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục rà soát các điểm họp chợ sai quy định, nghiêm khắc xử phạt những trường hợp tái lấn chiếm lòng lề đường. Song song với đó, tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các phường trên địa bàn thành phố tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân và cán bộ, công chức nghiêm túc chấp hành quy định của Nhà nước nói chung và của thành phố nói riêng, từ đó giải quyết tình trạng lấn chiếm, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Tuấn Hùng
Bình luận