Lễ hội truyền thống đang mất thiêng?!
PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên
Mất tính thiêng, mất cả những điều tốt đẹp của lễ hội
Trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội được gọi là hiện tượng văn hóa nguyên sinh, nguyên hợp, tức là một tổ hợp của rất nhiều các hình thức sinh hoạt, các hiện tượng văn hóa khác nhau.
Lễ hội dân gian truyền thống của người Việt, bản chất của nó gắn với tín ngưỡng. Hằng ngày, các vị thần được yên vị trong không gian thờ phụng như đình, chùa, đền, miếu... nhưng đến lễ hội thì các vị ấy đi vào cộng đồng, hòa nhập với cộng đồng. Dân cư đến với các vị để bày tỏ sự tôn kính và mong ước của mình - tôn kính một nguồn năng lượng siêu nhiên, ước vọng những điều tốt lành trong cuộc sống. Vì gắn với yếu tố tín ngưỡng nên lõi của lễ hội truyền thống là cái thiêng. Vì cái thiêng nên khi cộng đồng đến với lễ hội mang theo tinh thần hướng thượng.
Như đã nói, lễ hội truyền thống trục chính là tính thiêng liêng và cao cả, vì vậy, người ta cho rằng, tất cả những gì gắn với lễ hội đều nhiễm tính thiêng. Nếu người dự hội lấy được một thứ gì đó nhiễm tính thiêng mang về thì đem điều tốt lành về cho mình - người miền Bắc gọi đó là “lấy khước, cầu may”, người Nam gọi là “lấy hên”. Ví dụ, trong lễ hội ông Đùng bà Đà ở Hưng Yên thì người ta giành giật cái nan tre đan hình ông Đùng bà Đà vì quan niệm rằng, chỉ cần ném cái nan tre xuống ruộng, lúa sẽ trĩu hạt, ném vào ruộng muối, muối sẽ được mùa.
Tôi đã từng chứng kiến cảnh tại lễ hội ông Đùng bà Đà ở Hưng Yên, người ta gom sạch không còn cái lá trang trí động ông Hổ nào trên sân đình. Trong lễ hội Thánh Gióng vừa rồi, người ta giành giật nhau những chùm hoa tre vì cho rằng ai giành được hoa tre của Thánh Gióng thì sẽ đem điều may mắn, tài lộc về nhà.
Thế cho nên khi lễ hội lên cao trào thì bao giờ cũng có một trận cướp - hoàn toàn bột phát, người này đè đầu cưỡi cổ người kia để giành lấy một cái nan hay hoa tre để giành tài lộc về cho mình. Khái niệm “Cướp” này xuất hiện trong nhiều trò chơi dân gian người Việt, ví dụ: Cướp cờ, cướp phết, cướp cù… “Cướp” được hiểu là đoạt giải, giật giải trong trò chơi dân gian. Đó là hiệu ứng đám đông.
Vấn đề ở đây là những người tổ chức phải nhận biết “kịch bản” sẽ đi đến điểm đó để có cách tổ chức an ninh tốt, ngăn chặn không cho xảy ra cảnh bạo lực đáng tiếc như đã thấy. Chính yếu tố bạo lực hiện thời đang xâm nhập vào lễ hội chứ không xuất phát từ lễ hội. Ở đây cái thiêng đã bị yếu tố dung tục khống chế khi người ta đem cái nguyện vọng đặt lên trên lòng thành kính, tính cao cả. Khi chỉ nghĩ tới đi lễ hội để cầu may bằng yếu tố bạo lực thì người ta đã trần tục hóa lễ hội.
Lễ hội là một hiện tượng văn hóa vượt lên trên tất cả các nhu cầu, kể cả nhu cầu sinh học. Giá trị tinh thần của lễ hội bay trên cao, trên cộng đồng người. Lễ hội là hướng thượng chứ không thấp lè tè như những chuyện ta đang thấy. Người ta đến với lễ hội mà chỉ để cầu tài, cầu lộc, cầu may, mua may bằng mọi giá (kể cả việc ném tiền xuống nước bẩn) mà bỏ quên sự thành kính thần thánh, sự dọn mình để hóa thân, hòa nhập trong thánh thần. Khi tính thiêng bị triệt tiêu thì tính cộng cảm và cộng đồng tốt đẹp trong lễ hội cũng mất.
Ảnh minh họa.
Xây dựng hệ giá trị mới phù hợp với bối cảnh hiện đại
Dưới khẩu hiệu bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì hầu hết những hình thái văn hóa truyền thống đã được khôi phục dù không phải tất cả đều tốt và phù hợp với bối cảnh mới. Theo thống kê không đầy đủ, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống lớn nhỏ, làng nào cũng có hội làng, đình có hội đình, chùa có hội chùa… tức là có thiết chế tín ngưỡng nào dưới hình thái nào thì cũng bung ra thành lễ hội được. Chúng ta quên rằng trong các hình thái truyền thống đó có những thứ lạc hậu lỗi thời, những điều không phù hợp bối cảnh hiện đại, cũng chẳng mang giá trị truyền thống văn hóa nào.
Tại sao đời sống kinh tế đi lên thì người ta lại đến với tín ngưỡng, lễ hội nhiều như vậy? Tôi nghĩ độ rủi ro, phiêu lưu trong đời sống càng cao người ta càng đến với tín ngưỡng nhiều, càng có nhu cầu cầu cạnh thánh thần. Vài năm qua suy thoái kinh tế, mỗi năm hàng vạn doanh nghiệp phá sản, mất bạc tỉ, đi tù, án tử hình… con người mất niềm tin vào nhau, vào xã hội nên tìm đến với thần thánh mong lấy lại chút niềm tin nào đó. Người ta cần tâm linh đem lại cho cuộc sống những năng lực để đối phó với đời sống đầy bầm dập, thách thức.
Vì không có niềm tin vào hệ giá trị nên họ lúng túng. Thời trước hệ giá trị rõ ràng: Chân Nho hướng đến sự thanh bần - nghèo cho sạch - còn bây giờ người ta quan niệm nghèo là hèn. Tư duy đó đẩy con người phải thoát nghèo bằng mọi cách. Thời chiến tranh, hệ giá trị gắn với lý tưởng bảo vệ đất nước còn thanh niên ngày nay lựa chọn điều gì? Giàu sang sẽ hấp dẫn họ. Họ đến với thần để cầu tài cầu lộc, để mong chiến thắng trong những cạnh tranh khốc liệt của đời sống.
Đi vào tín ngưỡng là đi vào một thế giới ảo. Tôi nghĩ cần tăng cường hơn nữa khả năng hiện thực của cuộc sống, công ăn việc làm thuận lợi, đời sống an toàn, bớt rủi ro thì người ta không phải cầu viện nhiều đến Thần, Phật, mà có đến với Thần, Phật cũng vì một đời sống tâm linh lành mạnh chứ không nhuốm màu thực dụng.
Cuối cùng, cần xây dựng những hệ giá trị mới phù hợp với bối cảnh hiện đại để con người được sống trọn vẹn và bình an với hiện thực của mình.
Theo PGS. TS. Nguyễn Tri Nguyên/CP
Bình luận