Loay hoay bài toán thoát nghèo
Gọi là các xã biên giới phía Bắc Dào San bởi nằm sát khu vực biên giới, giáp huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Khu vực này gồm 8 xã từ Mù Sang, Dào San cho tới Sì Lờ Lầu với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó phổ biến nhất là dân tộc Mông, Dao và Hà Nhì. Để phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo ở các xã này từ tỉnh đến huyện đã triển khai đầu tư nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, sinh kế. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông cũng không ngừng được hoàn thiện phục vụ nhu cầu đi lại, buôn bán của người dân.
Về phía huyện biên giới Phong Thổ đã triển khai riêng Đề án “Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới giai đoạn 2016-2020”. Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ khác của Trung ương như 135, 30a, xây dựng nông thôn mới; các chương trình hỗ trợ của tỉnh như Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 20/QĐ-UBND, ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021… Có thể nói, với số tiền đầu tư lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ người dân, xong cho đến nay hiệu quả giảm nghèo chưa đạt mục tiêu ban đầu.
Một số người dân vượt biên qua điểm bản Gia Khâu, xã Sì Lờ Lầu sang bên kia biên giới lao động.
Tính đến hết tháng 6/2019, mức thu nhập bình quân đầu người khu vực 8 xã biên giới phía Bắc Dào San của huyện chỉ đạt 14,89 triệu đồng, đạt 78,46% kế hoạch theo Đề án. Nếu so với mức bình quân của huyện là trên 23 triệu đồng/người/năm quả thực rất khiêm tốn và chưa bằng một nửa thu nhập bình quân của người dân xã biên giới Huổi Luông. Các chỉ tiêu khác trong báo cáo Đề án như: tổng sản lượng lương thực có hạt, sản lượng lương thực bình quân đầu người, hệ thống hạ tầng giao thông… không ngừng nâng lên và được củng cố song tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vẫn còn khá cao. Điển hình như xã Pa Vây Sử trên 50%; Mồ Sì San trên 40%; Vàng Ma Chải trên 30%.
Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 66,96% và hiện vẫn chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đặc biệt chỉ tiêu sản xuất lúa đông xuân chỉ đạt 23,88%. Không những thế, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp của Chính phủ, tỉnh… trên địa bàn huyện chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt. Được biết, từ nguồn vốn của các chương trình trên, nhiều mô hình đã và đang được triển khai như: trồng lê, đào, sa nhân, thất diệp nhất chi hoa... Mục tiêu là hỗ trợ hộ nghèo, song các loại cây trồng trên mất vài năm mới cho thu nhập, trong khi vấn đề lương thực phải ưu tiên hàng đầu cho hộ nghèo nên khi triển khai các mô hình gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, các hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế chưa thực sự quan tâm dẫn đến hiệu quả chưa cao. Có một số hộ dân thực hiện mô hình trồng cây thất diệp nhất chi hoa không chăm sóc dẫn đến không có sản phẩm thu hoạch.
Một nguyên nhân nữa mà hầu hết trong báo cáo hàng năm của các xã đều đề cập đến là các hộ dân còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo vì thoát nghèo rồi sẽ không còn nhận được hỗ trợ nữa. Cùng với đó, công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số xã biên giới chưa thực sự sát sao. Sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế thấp nên người dân không mặn mà, nhiều trường hợp bỏ đi làm ăn xa, khi triển khai mô hình xong không chủ động chăm sóc.
Theo ông Đỗ Văn Quynh - Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Phong Thổ (một trong những đơn vị tham mưu xây dựng Đề án) cho biết: Đề án “Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới huyện Phong Thổ, giai đoạn 2016-2020” vẫn còn nhiều chỉ tiêu đạt thấp. Sau khi tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện, hiện nay chúng tôi cùng các đơn vị chuyên môn tiếp tục tham mưu cho UBND huyện điều chỉnh, bổ sung để Đề án thực sự đem lại hiệu quả giảm nghèo cho người dân. Phối hợp sử dụng nguồn vốn của Đề án với các chương trình hỗ trợ khác của Trung ương, tỉnh sát thực tế địa phương, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất.
Từ những tồn tại, hạn chế đã được huyện nhận định rõ sau 3 năm thực hiện Đề án, hy vọng thời gian tới, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã biên giới sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực và định hướng đúng, trúng hơn để công tác giảm nghèo thực sự bền vững.
Nguyễn Tùng
Bình luận