Mồ Sì San khan hiếm thực phẩm tươi sống
Người dân xã Mồ Sì San mua hàng tại trung tâm xã.
Hiện nay, nguồn lương thực, thực phẩm của Nhân dân trong xã chủ yếu là tự cung, tự cấp. Khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ thấp quanh năm nên các loại rau xanh ở đây không phong phú, chủ yếu là bí, su su, cải. Nhiều gia đình sử dụng thêm một số loại rau tạp hái trong rừng để thay đổi bữa ăn. Tại trung tâm xã chưa xây dựng được chợ nông thôn, hàng hóa chủ yếu là do các hộ gia đình từ miền xuôi hoặc bản địa mở cửa hàng tạp hóa kinh doanh nhưng cũng chỉ là đồ khô, hàng gia dụng.
Thời gian trước, trên địa bàn xã cũng có gia đình mở dịch vụ ăn uống, tuy nhiên không thể duy trì bởi lượng khách hàng ít. Hầu hết bữa ăn của người dân đều do tự sản xuất, muốn đổi bữa bằng thịt lợn, bò, trâu, cá tươi hay một số loại rau xanh khác thì đi xe máy ra chợ xã Dào San (cách 30km) hoặc đợi chợ phiên xã Sì Lở Lầu để mua. Hiện, toàn xã có 11 hộ bán hàng tạp hóa. Trong đó đều là những quầy hàng có quy mô nhỏ, lẻ, bán bánh, kẹo, đồ dùng gia dụng, nước mắm, mì chính, mỳ ăn liền, cá khô. Một số quầy có bán kèm đồ đông lạnh như thịt gà, cá chim... Tuy nhiên, số lượng hàng hóa nhập về không nhiều bởi lo ngại quá hạn sử dụng nếu nhu cầu tiêu dùng thấp. Thêm vào đó, giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nếu mưa liên tiếp hoặc lũ ống, lũ quét, đất đá sạt lở như thời điểm đầu tháng 8 vừa qua thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đến vài ngày.
Bà Tẩn Tả Mẩy (bản trung tâm xã Mồ Sì San) cho biết: Gia đình tôi bán hàng nhiều năm, hàng hóa tiêu thụ mạnh vào thời điểm bà con làm nương, thu hoạch nông sản. Giao thông khó khăn, vài ngày tôi và các hộ kinh doanh lại gọi điện cho đại lý chở lên. Do không có các mặt hàng tươi sống nên cá khô và thực phẩm đông lạnh rất dễ bán. Còn anh Tẩn Chin Hồi (bản Tô Y Phìn) thì chia sẻ: “Muốn đổi bữa thì thịt gà hoặc các gia đình chung nhau mổ lợn nhưng cũng hiếm lắm vì kinh tế còn khó khăn phải để bán. Tại trung tâm xã thi thoảng mới có người mang thịt lợn lên bán, do vậy hàng ngày thức ăn chủ yếu vẫn là rau xanh. Đến mùa thu hoạch lúa, công việc nặng nhọc thì mua thêm cá khô ăn thôi”.
Tình trạng khan hiếm thực phẩm tươi sống đã ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bà con nơi đây. Và, đây cũng là cơ hội để các mặt hàng đông lạnh không rõ nguồn gốc, kém chất lượng len lỏi vào bữa ăn của các gia đình, gây nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, huyện Phong Thổ cần tăng cường biện pháp đưa hàng Việt lên vùng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Đồng thời, đầu tư xây dựng chợ nông thôn tại địa phương để thúc đẩy trao đổi, mua bán làm đa dạng các mặt hàng và nâng cao thu nhập cho Nhân dân trong xã.
Hoài Thương
Bình luận