Chủ nhật, 12/01/2025, 22:32 [GMT+7]

“Ma trận” trái cây nhập khẩu

Thứ hai, 06/10/2014 - 07:51'
Nếu như vài năm trước, trái cây nhập khẩu chỉ được bán trong các siêu thị lớn, thì giờ đây các điểm bán trái cây nhập khẩu đã xuất hiện trên nhiều đường phố. 

Sự góp mặt của các sản phẩm trái cây ngoại nhập đã làm phong phú thêm thị trường trái cây trong nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của những người dân có thu nhập khá. Tuy nhiên, chất lượng và giá bán mỗi nơi một kiểu biến thị trường thành "ma trận" làm khó người tiêu dùng (NTD).

Khách hàng lựa chọn hoa quả nhập khẩu trong siêu thị Big C. Ảnh: Đàm Duy

Khách hàng lựa chọn hoa quả nhập khẩu trong siêu thị Big C. Ảnh: Đàm Duy

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam rất lớn (8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập từ Thái Lan số trái cây trị giá 125,1 triệu USD, Trung Quốc gần 84 triệu USD, Mỹ: 37 triệu USD, Australia: 22,7 triệu USD, New Zealand: 6,7 triệu USD). Trái cây nhập khẩu từ các thị trường có chất lượng cao đang tăng mạnh. Điều này cho thấy, một bộ phận NTD Việt ngày càng hướng đến những loại trái cây có nguồn gốc từ các nước phát triển. Ngoài yếu tố ngon, lạ, trái cây nhập khẩu còn mang đến cảm giác yên tâm về chất lượng, do có nguồn gốc từ những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với kỹ thuật canh tác cao và quy trình kiểm soát sản phẩm chặt chẽ. 

Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh đã trộn những loại trái cây cùng tên, giống về hình dáng, rồi làm giả nhãn mác để lừa NTD trục lợi. Hiện tại giá trái cây nhập khẩu trên thị trường đang được bán với nhiều mức khác nhau. Và chính việc xuất hiện một cách ồ ạt, với giá rẻ bất thường khiến NTD không khỏi nghi ngại về chất lượng của các loại trái cây nhập khẩu hiện nay. Những mẫu tem dùng cho các loại quả nhập ngoại đều được bóc gỡ dễ dàng do vậy, người kinh doanh có thể thoải mái gắn mác cho nhiều loại quả kém chất lượng. Trái cây nhập khẩu được bán phổ biến là kiwi, cherry, táo, cam, nho… có xuất xứ từ Mỹ, Australia, New Zealand… Dù giá bán khá cao, nhưng nhiều người vẫn chọn mua do tin tưởng về chất lượng, không có hóa chất bảo quản, tồn dư thuốc trừ sâu. Tại chuỗi cửa hàng Kleverfood, nho đen không hạt của Mỹ có giá 299.000 đồng/kg, lê Corella Australia 299.000 đồng/kg, cam ruột đỏ Australia 199.000 đồng/kg, táo Mỹ 199.000 - 299.000 đồng/kg (tùy loại), cherry Mỹ 599.000 đồng/kg… Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng chuyên bán hoa quả, mà hiện nay các loại trái cây nhập khẩu còn có mặt tại các chợ cóc, và người bán hoa quả rong cũng kinh doanh mặt hàng này. Theo nhân viên cửa hàng trái cây nhập khẩu trên phố Sơn Tây, trái cây được bán với mức giá khác nhau là do quy trình nhập khẩu khác nhau. Các loại trái cây được nhập khẩu theo đường chính ngạch sẽ phải bảo đảm những tiêu chuẩn về chất lượng rất khắt khe như bảo quản trong phòng lạnh, khử vi khuẩn bằng cách phủ sáp ong… Trong khi đó, trái cây nhập khẩu bán ở chợ và các sạp hàng, không có bất cứ quy trình bảo quản nào. 

Một số doanh nghiệp nhập khẩu trái cây cho biết, thông thường loại trái cây này được niêm yết đầy đủ, công khai các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, giá bán, chủng loại, kích cỡ, nhãn mác chính gốc, nhãn phụ tiếng Việt, thông tin về mùa vụ sản phẩm… Những cửa hàng bán sản phẩm nhập khẩu cũng phải có các giấy tờ như chứng nhận nguồn gốc xuất xứ do phòng thương mại của nước xuất khẩu cấp, xác nhận về nguồn gốc của sản phẩm được trồng, sản xuất tại nước đó; giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch thực vật nước xuất khẩu với cơ quan kiểm dịch nước nhập khẩu về tình trạng sản phẩm xuất khẩu với những yếu tố như hóa chất bảo quản, sâu bệnh; giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam cấp sau khi lấy mẫu, xét nghiệm, xác nhận tình trạng sản phẩm sau khi nhập khẩu bảo đảm các yếu tố để lưu hành an toàn… 

Để bảo đảm an toàn sức khỏe NTD, các ngành chức năng cần tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường, có hình thức xử phạt mạnh đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác. Ngoài ra, khi mua các loại trái cây nhập khẩu, NTD nên tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình, xuất xứ trái cây được nhập và phân phối để mua…

Sản phẩm trái cây nhập khẩu cao cấp từ Mỹ, Australia, New Zealand có chất lượng khác biệt so với trái cây Trung Quốc, có sự phân loại rõ ràng về giống với những đặc trưng rõ rệt về màu sắc, mùi vị và mùa vụ. Chẳng hạn, các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, Australia sẽ được kèm thông tin về giống… Táo Trung Quốc quả thường tròn, dưới lớp xốp bảo quản thường có nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi. Táo New Zealand có hình dáng hơi vuông, cao thành. Một số loại táo như Ambrosia Mỹ: quả to, dài, có màu đỏ xen lẫn vàng kem, giòn, ngọt và rất thơm; táo Fuji Mỹ: quả màu đỏ với các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm; táo xanh Mỹ quả màu xanh lá, vị chua đậm, giòn, nhiều nước… Nho Trung Quốc to, tròn, có vị chua, thịt mềm, nhiều hạt. Trong khi đó, nho Mỹ dài, thuôn, ăn giòn và ngọt, không có hạt…

Theo Thanh Hiền/hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...