Thứ hai, 13/01/2025, 12:44 [GMT+7]

Mua vé tàu Tết trực tuyến: Xác suất rủi ro vẫn cao

Thứ sáu, 09/10/2015 - 09:23'
Dù nhiều hành khách đã "thở phào" vì cuối cùng cũng được giải quyết thấu đáo sự cố khi mua vé tàu trực tuyến dịp tết Bính Thân 2016 nhưng thực tế cho thấy, cần có thêm những giải pháp phù hợp để hạn chế rủi ro.

Đặt vé vẫn trục trặc

Chị Cù Thị Hương Mai, một hành khách (HK), lên website "dsvn.vn" đặt vé tàu SE2, loại giường nằm điều hòa khứ hồi, chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, ra Hà Nội ngày 3-2 và vào TP Hồ Chí Minh ngày 13-2-2016 (tương ứng 25 tháng Chạp và mùng 6 tháng Giêng - dịp cao điểm tết Bính Thân 2016). Thế nhưng, khi click vào hệ thống thì tất cả dãy giường nằm tầng 1 thông báo "chỗ chưa bán". Đến ngày 7-10, chị Mai tiếp tục click vào loại chỗ tương tự, hệ thống lại báo "lệnh sản xuất", trong khi bên dưới vẫn ghi chú "chỗ chưa bán".

Hành khách khi mua vé tàu Tết trực tuyến vẫn gặp một số khó khăn.

Hành khách khi mua vé tàu Tết trực tuyến vẫn gặp một số khó khăn.

Về vấn đề này, ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh VTĐS Sài Gòn (Công ty VTĐS Sài Gòn) thừa nhận việc chú thích bằng hình ảnh và chữ trên chưa thực sự đầy đủ và chính xác. Cũng theo ông Đức, đối với những ngày cao điểm, nhất là vào dịp Tết, trên tất cả các toa loại giường nằm tầng 1 (khoang 4 giường), ngành đường sắt chuyển đổi thành 3 ghế ngồi để tăng số chỗ phục vụ nhu cầu đi lại. Thực tế, trên giao diện hệ thống đặt vé của ngành đường sắt đã ghi quy ước rõ ràng đối với các toa nằm điều hòa (chuyển đổi).

Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh Nhàn đặt 2 vé khứ hồi tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang vào ngày 2-2 và 13-2-2016 trên website. Sau đó, chị đến điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đóng tiền mặt và in "thẻ lên tàu hỏa". Thế nhưng, do mạng chạy chậm nên chị chưa thể in vé. Chờ khoảng 30 phút sau, chị đặt lại lệnh để in nhưng hệ thống báo không có dữ liệu. Một lát sau, chị tiếp tục vào in thì hệ thống báo đã hết thời gian và tạm khóa. Để kiểm tra lại ghế của mình, chị Nhàn vào hệ thống đặt chỗ và thấy số ghế chị đặt báo màu đỏ (tức đã đặt chỗ). Tương tự, anh Võ Văn Quan (đi chặng TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng), do lỗi kết nối internet đã thanh toán nhưng hệ thống tự động thu hồi mất chỗ sau thời gian quá hạn giao dịch. Anh nhận được email phản hồi xác nhận đặt chỗ chưa thành công. Sau khoảng 3 ngày, ngân hàng tự động thực hiện giao dịch hoàn lại tiền vào tài khoản cho anh Quan.

Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty giải pháp công nghệ FPT), xác nhận sự việc trên. Ông Hải cho biết, ngay lập tức FPT cùng đường sắt Việt Nam (ĐSVN) phối hợp và giải quyết nhanh chóng cho chị Nhàn. Cụ thể, ngoài việc trả lại tiền 2 vé khứ hồi, FPT gửi đề xuất với ngành Đường sắt để mua lại vé cho chị Nhàn và đã được giải quyết. "Do quá trình thanh toán gửi dữ liệu về không đầy đủ nên hệ thống website bán vé sẽ tự động thu hồi chỗ để trả về kho vé, tạo cơ hội cho khách hàng khác có nhu cầu đặt vé", ông Hải nói về nguyên nhân sự cố.

Tập đoàn FPT đến nay ghi nhận được 17 trường hợp bị các sự cố tương tự, chủ yếu tập trung ở ngày bán vé đầu tiên (1-10). Trong số này, có 3 trường hợp vẫn chưa giải quyết mua vé do trên hệ thống kho vé đều báo hết chỗ theo yêu cầu của HK.

Nên có kho vé giải quyết sự cố

Trước những trục trặc trên, nhiều HK đều cho rằng, ngành đường sắt nên có kho vé dự trữ để những trường hợp đã đặt vé - trả tiền mà không có vé thì lập tức đưa "kho vé" này ra giải quyết. Cụ thể, ngành đường sắt nên giao kho vé trực tiếp cho từng điểm bán vé thuộc hệ thống ĐSVN, chứ không phải như hiện nay là cứ gặp sự cố lại chờ FPT và ngành đường sắt phối hợp xử lý vừa mất thời gian vừa hiệu quả không cao. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Hải cho hay, HK nên nắm và hiểu rõ công cụ và hình thức thanh toán khi đặt vé qua mạng, từ đó sẽ giảm thiểu nguy cơ khi đặt vé qua mạng. Ông Hải cũng khuyến cáo trong giai đoạn cao điểm, để bảo đảm quyền lợi của người đi tàu, người dân nên lưu lại mã đặt chỗ, mã thanh toán, thông tin cá nhân để thuận tiện cho việc hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt, đối với HK thanh toán trực tuyến, phải bảo đảm nhận được thông báo mua vé thành công trên màn hình của hệ thống mới hoàn tất giao dịch. Bởi lẽ, thông báo thành công trên cổng thanh toán mới chỉ bảo đảm đã chuyển trả tiền mua vé chứ chưa bảo đảm sẽ nhận được vé. Trong trường hợp gặp vấn đề do thanh toán, khách hàng liên hệ với các kênh hỗ trợ của ngành đường sắt để được trợ giúp.

Theo Hà Tuấn/HNM

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...