Thứ hai, 13/01/2025, 16:26 [GMT+7]

Người dân Mường Tè đổ xô khai thác cây máu chó

Thứ sáu, 01/07/2016 - 15:33'
(BLC) - Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cây máu chó với giá 1.200 - 1.500 đồng/kg, khiến người dân huyện Mường Tè đổ xô đi khai thác, tìm kiếm loại cây này để bán.

Đi dọc tuyến đường từ thị trấn Mường Tè lên các xã: Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, đặc biệt là xã Mường Tè dễ dàng nhìn rất nhiều cây có nhựa màu đỏ được người dân chất đống 2 bên đường chờ thương lái thu mua. Bà con gọi đây là cây máu chó vì nhựa của nó có màu đỏ như máu. Trước nhu cầu thu mua của thương lái, hàng ngày có rất nhiều người đổ xô vào rừng khai thác hàng chục tấn cây máu chó để bán.

Thương lái thu mua cây máu chó tại huyện Mường Tè.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây máu chó còn có tên gọi khác là huyết đằng, hồng đằng hay dây máu người… Đây là loại cây dây leo có thân to, dài, vỏ ngoài hơi nâu. Thân có vân, khi cắt có nhựa màu đỏ như máu. Theo y học cổ truyền, loại cây này thường được dùng trị đau ruột, đau bụng, phong thấp đau nhức… Có người còn cho rằng cây máu chó có thể chữa được bách bệnh.

Vẫn biết là vậy, nhưng với tình trạng khai thác bừa bãi như trên có thể dẫn đến tận diệt. Anh Tống Văn Phăn ở bản Đon Lạt (xã Mường Tè) cho biết: Mỗi ngày tôi thu  từ 5 - 7 trăm nghìn đồng từ bán cây máu chó, có hôm may mắn hơn được cả triệu đồng, thậm chí có người chỉ trong 3 ngày đã kiếm được 7 triệu đồng. Gần đây do thu hoạch nhiều nên cây máu chó ít đi, phải vào sâu trong rừng mới có nhiều cây to. Để có thể khai thác được nhiều nhất, có hộ dân còn sắm cả máy cưa.

Còn theo chị Nguyễn Thị Tính (thu mua cây máu chó tại bản Đon Lạt, xã Mường Tè) thì: Tôi chỉ biết đây là cây máu chó chứ không biết để làm gì. Tôi mua của bà con, sau đó có người đến mua lại và bán sang Trung Quốc. Trước kia, mỗi ngày họ đến bốc 3 - 4 chuyến với trên 30 tấn cây máu chó nhưng giờ ít hơn, 3 - 4 ngày mới lại có một chuyến.

Những năm trước, ở một số địa phương của tỉnh Kon Tum, cây máu chó được thu mua với giá 300 - 400 nghìn đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến cả triệu đồng. Đặc biệt, việc thu mua loại dược liệu này cũng diễn ra trên địa bàn huyện nhưng nhỏ lẻ và số lượng ít. Giờ đây, do số lượng thu mua không giới hạn dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt của bà con. Dù giá thấp nhưng với người dân nơi đây mức thu nhập hàng trăm nghìn đồng/ngày đã là quá cao.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền tác hại của việc khai thác bừa bãi loại cây dược liệu này. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rất khó, đặc biệt là vấn đề thủ tục. Theo quy định, cây máu chó không phải là dược liệu quý hiếm, không nằm trong danh sách cấm khai thác nên không thể xử phạt. Chính vì vậy, từ lợi ích trước mắt, người dân vẫn vào rừng khai thác tự do. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy bởi để lấy được cây máu chó sẽ phải chặt các cây thân gỗ lớn; không kiểm soát được lượng người vào rừng nên kéo theo khó bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng...

Bên cạnh đó, ngoài cây máu chó, việc người dân kéo nhau vào rừng khai thác các loại dược liệu như: sa nhân, lông cu ly, nấm cũng khiến rừng bị phá, hệ sinh thái rừng bị đe dọa. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương trong huyện cần có những quy định, xây dựng quy ước trong bảo vệ các loại cây dược liệu; tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Mỹ Duyên – Đài TT-TH Mường Tè

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...