Người làm báo cần: "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"
Trước đó, ngày 27/3, trên kênh VTC14 đã phát sóng phóng sự: “Khi áo trắng chìm trong khói thuốc shisha", trong đó, miêu tả một số học sinh THPT Hà Nội mặc áo đồng phục của trường, trốn học đi hút shisha. Phóng sự đã gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc giữa Ban Giám hiệu nhà trường có học sinh trong phóng sự với phóng viên làm chương trình cùng các tin nhắn trong điện thoại giữa phóng viên với các học sinh cho thấy, có chứng cứ xác định hành động biến cảnh quay sắp đặt, dàn dựng trở thành một phóng sự ghi nhận thực tế.
Hình ảnh được cắt từ phóng sự "Khi áo trắng chìm trong khói thuốc shisha". (Nguồn: TT).
Ðiều đáng nói là, khi gặp phản ứng của dư luận, mà VTC14 vẫn khẳng định đây là “phóng sự” và cho rằng, phóng viên của mình đã làm đúng quy trình, chỉ thừa nhận có thiếu sót trong xử lý kỹ thuật hậu kỳ, không làm mờ hình ảnh của các học sinh. Đồng thời, VTC14 đã có Công văn số 112 ngày 31/3 gửi Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cùng hai trường có học sinh xuất hiện trong phóng sự, trong đó khẳng định: “Các em học sinh trong phóng sự còn quá trẻ, chưa ý thức được hậu quả từ những hành động bồng bột của mình. Chính vì thế, các em càng cần phải có sự uốn nắn, giúp đỡ, giáo dục từ gia đình, nhà trường... Do đó, VTV14 mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường cân nhắc, xem xét lại hình thức kỷ luật sao cho vừa giúp các em nhận ra sai lầm - vừa đảm bảo tính giáo dục, vì quan trọng là tạo cơ hội cho các em sửa sai, tránh sa vào các tệ nạn nghiêm trọng".
Điều này đã làm một số học sinh thật sự hoang mang, thậm chí hoảng loạn trước áp lực của dư luận xã hội. Trước thực tế này, ngày 1/4, phụ huynh của các học sinh liên quan đã làm đơn kiến nghị nhà trường, Ban Biên tập VTC14, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm sáng tỏ việc dàn dựng quay cảnh trong phóng sự, làm ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, ảnh hưởng đến danh dự của học sinh, gia đình, nhà trường…. Đến ngày 4/4, VTC14 nhận lỗi sai trong quá trình tác nghiệp, gửi lời xin lỗi đến các em học sinh đã tham gia trả lời phỏng vấn trong chương trình và tới gia đình các em; đồng thời, thừa nhận sự non kém về nghiệp vụ của cả êkíp (!?)
Sự việc này đã làm dư luận xôn xao. Nhiều người cho rằng, phóng viên làm chương trình này "vô trách nhiệm" nếu không muốn nói là “cài bẫy” học sinh. Phóng viên ngoài vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc làm báo “tôn trọng sự thật”, thì trong vụ việc này, người thực hiện đã cho học sinh hút shisha là đã làm những điều trái pháp luật để đạo diễn thành chương trình của mình, gây hậu quả rất lớn. Bởi khi phát sóng, ai cũng nghĩ là các em có hành vi xấu, ăn chơi trác táng… Đây chính là hành vi vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và vi phạm pháp luật.
Sự việc tưởng nhỏ nhưng lại gây hậu quả lớn. Hành xử thiếu tính chuyên nghiệp của phóng viên không chỉ tác động đến niềm tin của trẻ em vào người lớn, mà nó còn ảnh hưởng đến niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt đầu tiên. Trước đó, dư luận đã từng rất bức xúc trước những sự việc đưa tin không đúng sự thật của một số phóng viên, cơ quan báo chí với mục đích giật gân, câu khách. Đó là trường hợp phóng viên dàn dựng, gài bẫy cảnh sát giao thông “ăn” hối lộ để rồi bị vướng vào vòng lao lý; thông tin nông dân Hà Nội đu dây qua sông, trong khi sự thật chỉ là chuyện người dân sử dụng dây cáp để chở chuối từ bãi giữa sông Hồng vào bờ; phóng sự truyền hình: “Ai chắp cánh cho thần chết?”, từng đoạt giải B do Hội Nhà báo tỉnh Bình Định năm 2013 và được phát lại trên VTV1. Đây là phóng sự truyền hình đề cập 04 trường hợp bị tàn tật. Tuy nhiên, sự thật là những người này bị phóng viên dàn dựng. Gần đây nhất là Chương trình "Điều ước thứ 7" phát sóng trên VTV3 ngày 10/1/2015 đã gây xúc động mạnh cho khán giả khi kể về câu chuyện tình đầy cảm động của cô gái khiếm thị hát rong quê Nghệ An và chàng trai trẻ tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia quê Thanh Hóa... Nhưng đằng sau chuyện tình cảm động này lại là một sự thật hoàn toàn khác…
Sự thật chi tiết, cụ thể thế nào về phóng sự: “Khi áo trắng chìm trong khói thuốc shisha" sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có hình thức xử lý nghiêm minh. Nhưng dù chịu hình thức xử phạt đến thế nào đi nữa, thì hình phạt nặng nề nhất đối với người cầm bút, đó chính là... đánh mất niềm tin của độc giả. Đây chắc chắn sẽ là những bài học đắt giá, cảnh tỉnh về việc cần phải trau dồi và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho những người làm báo.
Luôn nhớ và tâm niệm lời chúc, lời căn dặn của nhà báo “đại thụ” Hữu Thọ đối với các đồng nghiệp, hãy luôn là những nhà báo chân chính với: "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Đây là những điều kiện cần và đủ, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của người làm báo để có được những bài viết hay, chân thực, thể hiện chính kiến của người cầm bút, dám lên án, phê phán cái sai, cái tiêu cực, phát hiện, bảo vệ và ủng hộ cái đúng, định hướng và gợi mở những điều tốt đẹp chocuộc sống hôm nay.
Theo Trung Anh/dangcongsan
Bình luận