Những năm tủi nhục của gia đình người tù bị oan sai
Ngôi nhà của ông Chấn ở thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, nay đã cũ. Chiếc máy xát nằm chỏng chơ trước cửa, đã nhiều năm rồi nó không được vận hành. Khó ai có thể hình dung 10 năm trước nơi đây là một tổ ấm hạnh phúc, vợ chồng cần cù lao động, con cái được đến trường, kinh tế thuộc hàng khá giả.
Thời đó, vợ chồng ông Hoạt (anh đồng hao với ông Chấn) là gia đình lắp điện thoại bàn đầu tiên ở làng và mở dịch vụ cho gọi thuê. Ông Hoạt mách cho các em lắp máy điện thoại thứ hai ở làng. Vậy là gian hàng nhỏ bán phân lân, tạp hóa của vợ chồng ông Chấn ngoài chợ kiêm thêm dịch vụ cho bà con gọi điện thoại. Nhà ông Chấn cũng mở một quán khác làm xay xát, công việc không lúc nào ngơi tay. Họ còn có xe ngựa tranh thủ đi chở hàng thuê. Ngày mùa, gia đình ông tối mặt tối mũi với cả mẫu ruộng và vô số lợn gà. Kinh tế đang trên đà phát triển thì tai họa ập đến.
Nghe tin ông Chấn được thả, người trong thôn đến nhà thăm. Ảnh: Quý Đoàn. |
Ngày ông Chấn bị bắt vì bị cáo buộc tội giết người, cướp tài sản, không ai có thể nghĩ "cái thằng hiền như cục đất, mang gan chuột nhắt" lại làm chuyện tày trời đến vậy. Cụ Thoại, 72 tuổi, hàng xóm ông Chấn, cho biết: "Bao năm sống ở làng, nó chẳng có điều tiếng gì, không bao giờ gây xích mích với ai. Vợ chồng nó siêng năng lắm, quần quật cả ngày, làm đủ thứ để sống". Bà cụ còn nhớ ngày chồng bà bị ngã, ông Chấn cõng ông cụ cả quãng đường xa về.
"Lúc nó bị bắt vì tội giết người, làng xóm có người nghiêng ngả mà ông nhà tôi một mực bảo là cái nòi nhà thằng Chấn không thể làm ác với ai. Bố nó hiền, thằng con cũng lành như đất", bà cụ nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Hà (em gái nuôi của ông Chấn) cũng không thể tin vào câu chuyện tày trời được gán tội cho anh trai. Đời ông, đời cha ông Chấn là liệt sĩ, gia đình có độc một người con. Chồng hy sinh, mẹ ông Chấn là bà Vì ở vậy nuôi con, nhận thêm chị Hà về nuôi từ ngày còn bế ẵm. Lớn lên cùng những người hiền lành, chị Hà được dân làng nhận xét sao mà giống ông Chấn, bà Vì đến vậy.
"Anh Chấn thương tôi lắm. Ngày còn nhỏ, chơi ở đâu anh cũng cõng tôi theo. Tính anh nhát, không được khôn khéo như người ta. Vì thế mà bao người bị gọi lên hỏi cung lúc vụ án xảy ra, chỉ có anh ấy bị buộc tội", chị Hà tâm sự.
Ông Chấn vẫn còn bỡ ngỡ với cuộc sống trong ngày đầu được trả tự do. Ảnh: Quý Đoàn. |
Ông Chấn đi tù khác nào cột trụ gia đình bị gãy xuống. Tiếng "chồng/ cha hiếp dâm, tù tội, giết người" khiến vợ con Chấn đi đâu cũng bị người đời xì xào, mỉa mai. Bao nhiêu năm qua, gia đình nạn nhân đến trước cửa nhà ông Chấn mắng chửi thậm tệ mà vợ con người mang oan cũng không dám nói lại. Nghiệp làm ăn cũng sụp đổ từ đó.
"Chồng đi tù thì còn ai đến nhà. Máy xát bỏ hoang từ đó. Quán bán tạp hóa ngoài chợ cũng không có ai vào mua. Mấy mẹ con phải chuyển sang bán thịt lợn, lãi đủ tiền mua rau. Nhiều người bắt nạt vợ góa, con côi mà lật mặt không trả tiền lắm", bà Năm, em vợ ông Chiến, nghẹn ngào khi nhớ lại.
Ngày bố bị bắt, 4 đứa của con ông Chấn đi học đến trường là bị bạn bè xa lánh, miệt thị đến mức cả 3 đứa đầu phải bỏ học. Cậu út học lên cao đẳng nhưng cũng nghỉ nửa chừng vì bạn bè biết được bố mang tội giết người. Cô con gái tên Quyền làm công nhân cũng bị xa lánh đến mức phải bỏ đi nước ngoài kiếm sống.
"Con bé quyết lúc nào bố còn ở tù, còn mang oan thì ngày đó nó còn đi làm và không lấy chồng. Ngày chuẩn bị đi xuất khẩu, nó ra nhà tôi nằng nặc đòi vay 1.000 USD. Lúc đó, kinh tế nhà tôi cũng khó vì đang xây nhà nhưng thương cháu nên phải đi vay", bà Năm cho biết.
Bà Vì, mẹ ông Chấn, cũng phải chịu bao tủi nhục. Chồng mất năm con trai mới được 3 tuổi, bà ở góa nuôi con. Những tưởng tuổi già được chăm sóc thì con mang oan. Đã bao lần bà bị người làng xì xào, mắng chửi, người ta bảo bà "đẻ ra đứa con lộn giống". Nỗi đau tinh thần đi liền nỗi đau vật chất. Con dâu suốt ngày kêu oan và dành dụm đi thăm chồng hàng tháng, bà Vì còn được chút sức nào cũng gắng chút sức ấy phụ giúp, ngồi bán cà pháo ở chợ.
Vợ ông Chấn từng phải cấp cứu vì tăng huyết áp, không đi, không nói được. Gần đây bà bị thần kinh, đang điều trị trong viện. Ảnh: Quý Đoàn. |
Vài năm nay vợ ông Chấn là Nguyễn Thị Chiến phải đi viện liên tục vì huyết áp, thần kinh. Trước hôm chồng được tha, bà Chiến vẫn phải nằm viện tâm thần. Hiện bà lúc nóng giận, khi mệt mỏi thất thường.
Nguyễn Hữu Quyết, con trai cả của ông Chấn, cho biết khi bố đi tù, trong nhà chỉ còn lại chiếc xe ngựa nhưng cũng phải bán rẻ vì không có ai thuê. Quyết phải đi làm thợ xây, sau này mổ heo cho mẹ bán. Dành dụm được đồng nào là mẹ anh lại mang đi thăm bố. "Hơn 10 năm qua, hình ảnh khiến tôi ám ảnh nhất là nhìn bố hao mòn từng ngày trong trại giam. Lần nào lên, ông chỉ hỏi độc câu 'đã minh oan được cho bố chưa'. Nếu không phải con liệt sĩ, bố đã bị xử bắn lâu rồi, còn đâu đến ngày được minh oan nữa", Quyết nói.
Thương bố, anh càng đau đớn hơn nhìn mẹ gục ngã từng ngày. Trước đây, bà Chiến khỏe mạnh, nhanh nhẹn biết bao nhiêu. 10 năm đi lại tiếp tế cho chồng, thu thập bằng chứng và kêu oan lên các ngành, các cấp trong vô vọng làm bà bệnh tật đầy người. "Năm 2011, mẹ bị tai biến đến mức miệng cứng không nói được, may mà cấp cứu kịp thời. Khoảng 6 tháng nay, dần đoán được hung thủ và biết được cuộc chiến đang gần đến hồi kết thì mẹ khỏe lại. Bất ngờ có tin đảo ngược hoàn toàn vụ án mới khiến mẹ hóa điên như vậy", Quyết tâm sự.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được 'trả tư do' hôm 4/11, sau 10 năm ngồi tù với án Chung thân vì bị khép vào tội giết người. Vợ của ông Chấn, bà Nguyễn Thị Chiến, suốt thập kỷ qua đã không từ bỏ niềm hy vọng, lặn lội mang đơn kêu oan cho chồng. Phiên tòa tái thẩm hôm nay sẽ có phán quyết cuối cùng. |
Theo Phan Dương VnExpress
Bình luận