Petrolimex lẽ ra phải lãi 1.200 tỷ đồng
Để đảm bảo quyền lợi của DN và người tiêu dùng, Nhà nước vẫn sẽ quản lý giá xăng dầu. Ảnh:Hải Nguyễn.
Chiều ngày 3.9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì họp báo tháng 8 về tình hình sản xuất kinh doanh và một số giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh ngành công thương. Một số vấn đề nóng liên quan đến giá xăng dầu, giá điện, khi nào dừng lưu thông xăng A83, nghị định sửa đổi Nghị định 84/NĐ-CP về quản lý và kinh doanh xăng dầu đã được báo giới đặt ra với lãnh đạo bộ.
Quyết định dừng lưu thông xăng A83
Trước 5 vấn đề mà báo chí nêu ra liên quan đến giá xăng dầu và mức lãi khủng của Petrolimex, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền cho biết: Trong tháng 8, Bộ Công Thương đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng lưu thông xăng A83. Trước đó, bộ cũng có văn bản yêu cầu các DN tạm dừng sản xuất kinh doanh loại xăng này, có kế hoạch đầu tư chuyển đổi công nghệ để chuyển sang tiêu thụ xăng A92.
Liên quan đến việc xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm, trong tháng 6 và tháng 7, sau 3 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, đến ngày 25.8, liên bộ Tài chính - Công Thương mới cho phép DN đầu mối xăng dầu giảm giá bán với xăng và madút, diesel và dầu hoả vẫn giữ nguyên, ông Võ Văn Quyền cho rằng, về nguyên tắc, thế giới tăng, giá trong nước điều chỉnh tăng; giá thế giới hạ, giá trong nước hạ. Tuy nhiên, việc điều hành giá hiện liên bộ đảm bảo theo nguyên tắc diễn biến giá thế giới bình quân 30 ngày.
“Nếu chỉ xét trong vòng 10-15 ngày thì tần suất giữa các lần điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu lên, xuống rất nhanh. “Muốn giữ ổn địnhh thị trường thì xét giá bình quân 30 ngày là phù hợp” - ông Quyền nói.
Liên quan đến việc một Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời báo chí cho rằng tăng giá xăng dầu không làm ảnh hưởng đến CPI, ông Quyền đính chính, không có một mức tăng giá nào mà không ảnh hưởng đến chỉ số giá cả, có chăng là “ảnh hưởng không lớn” mà thôi.
Chứng minh quá các lần tăng giá xăng dầu, nhưng CPI tháng 8 tăng 0,83% theo ông Quyền, yếu tố tác động mạnh đến CPI chính là nhóm giao thông và dịch vụ y tế. Trong tháng 8, TPHCM đã điều chỉnh mức dịch vụ y tế nên đây mới là yếu tố làm tăng CPI. Các yếu tố còn lại trong đó có xăng dầu, có tác động lên CPI nhưng không đáng kể”.
Đề cập đến mức lãi được dư luận cho là “khủng” của Petrolimex, khi trong các lần tăng giá xăng dầu, DN này đều báo lỗ, nhưng khi công bố thông tin tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, lãi “khủng” với số lãi lên tới 898 tỉ đồng (riêng mặt hàng xăng dầu lãi 388 tỉ đồng, chiếm 43%), ông Quyền khẳng định mức lãi của Petrolimex là thấp.
“Trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex nhập 4,4 triệu tấn xăng dầu, nếu nhân với 300 đồng lợi nhuận định mức thì số lãi phải là 1.200 tỉ. Nhưng Petrolimex chỉ lãi 388 tỉ, tức là tỉ suất lợi nhuận chỉ bằng 4,7% lãi gộp, với tổng mức vốn ấy đưa vào gửi tiết kiệm còn lãi cao hơn”. Ông Quyền cũng khẳng định, NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan để ban hành, thì tinh thần là Nhà nước vẫn quản lý giá xăng dầu. Ai đó hiểu sai cho rằng với một thị trường còn độc quyền, để cho DN định giá là đẩy gánh nặng cho người tiêu dùng. Tôi khẳng định, với xăng dầu, Nhà nước vẫn can thiệp khi cần thiết.
Tăng giá điện, không tăng giá hộ nghèo
Tiếp tục đăng đàn về vấn đề giá, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho rằng: Lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất (1.8.2013) giá điện tăng 5%, nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên hộ nghèo. “Hộ nghèo, thu nhập thấp sử dụng từ 50 số điện trở xuống giá điện khổng đổi”.
Đối với các ngành sản xuất sử dụng điện, mức ảnh hướng có khác nhau, song chi phí giá điện ảnh hưởng đến giá thành sản xuất không lớn. Cụ thể, theo khảo sát của Bộ Công Thương, sản xuất thép tăng 0,04%; phôi thép 0,31%; ximăng tăng 0,43%; xơ sợi tăng 0,55%; thuốc lá tăng 0,04%; bia tăng 0,88%. Theo ông Cường, mức điều chỉnh giá điện phụ thuộc vào 3 yếu tố cấu thành giá là giá nhiên liệu, tỉ giá và cơ cấu sản lượng điện phát.
Về cơ cấu sản lượng điện, hiện trong 8 tháng đầu năm, tỉ lệ phát thuỷ điện chỉ còn chiếm 39%, trong khi nhiệt điện than đã lên tới 22,29%, nhiệt điện khí tăng 34,88%; tỉ lệ mua điện Trung Quốc chiếm khoảng 3,9% sản lượng điện phát. Liên quan đến vấn đề cắt khí Nam Côn Sơn từ 7-16.9 tới đây, ông Đặng Huy Cường cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN tập trung phát các nguồn khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện, không để xảy ra thiếu điện.
Vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là việc tồn kho than do chậm tiêu thụ, trong khi than XK bị giảm mạnh vì thuế XK tăng từ 10% lên 13% từ 1.7.2013, ông Lê Khắc Thọ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng - cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho ngành than, cho đời sống người lao động ngành than, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Chính phủ tạm thời chưa áp dụng tăng thuế XK than (vẫn giữ ở mức 10%).
Và thông tin mới nhất, Bộ Tài chính đã có công văn 124 điều chỉnh mức thuế này để tháo gỡ khó khăn cho Vinacomin. Về lâu dài, để giải quyết lượng tồn kho than đã lên tới xấp xỉ 8 triệu tấn, Vinacomin phải có giải pháp duy trì năng lực sản xuất đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện trong giai đoạn từ nay đến 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo đó, đến cuối năm 2013, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phê duyệt lại đề án cấp than cho điện, dự kiến các dự án điện than phía bắc sẽ sử dụng nguồn than trong nước, các dự án nhiệt điện than phía nam sẽ dùng nguồn than NK.
Theo Laodong (Thứ tư 04/09/2013 00:12)
Bình luận