Phòng, chống bạo lực gia đình
Trưởng bản Nậm Ngập 1 (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ) tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới và Phòng, chống bạo lực gia đình tới người dân.
BLGĐ vẫn “hoành hành” và có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân như: chồng đi uống rượu, cờ bạc, nghiện hút về đánh vợ, con; kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình; cha mẹ đánh đập con cái vì không phải con ruột hay không vui là có thể đánh con như hình thức giải khuây… Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do nhiều người bị đánh đập, hành hạ nhưng e ngại không muốn báo với chính quyền địa phương hay không dám kể với ai mà chỉ âm thầm chịu đựng vì ngại “vạch áo cho người xem lưng” hay “xấu chàng hổ ai”. Nhiều người cam chịu vì không muốn gia đình tan vỡ con cái phải chịu cảnh chia lìa bố mẹ... Đặc biệt, Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức còn hạn chế và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên trong gia đình người đàn ông luôn đúng và họ cho mình cái quyền có thể xâm hại, đánh đập người phụ nữ và những người mẹ, người vợ chỉ biết cam chịu mà không dám kêu than. Nhiều đứa trẻ còn non nớt, ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” chưa thể suy nghĩ mọi việc thấu đáo, dễ dẫn đến sai lầm và mỗi lần đó là bị hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của bố mẹ. Và, hệ lụy của những trận đòn roi đó không chỉ là những tổn thương về tinh thần, thể xác mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của gia đình, xã hội.
Chỉ tính riêng năm 2017, trên địa bàn huyện Sìn Hồ xảy ra 156 vụ BLGĐ, trong đó ở thị trấn là 2 vụ, nông thôn 154 vụ (tăng 113 vụ so với năm 2016). Số vụ BLGĐ ngày càng tăng và chủ yếu xảy ra ở nông thôn - nơi có trình độ dân trí và mức sống thấp. Ông Nguyễn Đức Trưởng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Để phòng, chống BLGĐ, những năm qua, phòng phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả và các biện pháp phòng, chống BLGÐ, chú trọng những xã, bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Kết hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; các quy định, nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGÐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi chiếu phim lưu động, sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể và sinh hoạt chi bộ; tổ chức các hội thi, cuộc thi về công tác gia đình. Nhất là vận động, khuyến khích người dân khi bị BLGĐ nên đến chính quyền xã hoặc trưởng bản, bí thư chi bộ bản trình báo và tìm biện pháp giải quyết tránh để sự việc kéo dài nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, phòng kết hợp tuyên truyền được 102 buổi ở 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân về BLGĐ”.
Hiện, huyện Sìn Hồ có 6 xã, 1 thị trấn thành lập các câu lạc bộ: “Phòng, chống BLGД, “Gia đình phát triển bền vững” và nhóm Phòng, chống BLGÐ, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Những người chủ nhiệm câu lạc bộ, trưởng nhóm thường là trưởng bản, bí thư chi bộ bản và người uy tín có trách nhiệm lắng nghe, hòa giải những vụ việc BLGĐ trên địa bàn. Đặc biệt, họ cũng là một trong những “hạt nhân” trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và là địa chỉ tin cậy ở các xã, thôn, bản cho nạn nhân khi bị BLGĐ. Nhờ đó, nhanh chóng can thiệp, hòa giải kịp thời các vụ BLGÐ trên địa bàn.
Thiết nghĩ, để đẩy lùi tình trạng BLGĐ cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa để răn đe, giáo dục nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, không có bạo lực.
Vương Trang
Bình luận