Chủ nhật, 12/01/2025, 11:15 [GMT+7]

"Để đạt hiệu quả cao, vắc xin sởi phải được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi"

Thứ năm, 10/04/2014 - 08:08'
Hiện nay, dịch sởi đã xuất hiện tại 59 tỉnh, thành phố với 25 trường hợp tử vong khiến các bậc phụ huynh và cộng đồng băn khoăn, lo lắng. Trước tình hình đó, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về diễn biến tình hình dịch sởi và những vấn đề liên quan đến việc công bố dịch sởi năm 2013 - 2014.

Phóng viên (PV): Cục trưởng có thể cho biết về tình hình dịch sởi trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay diến biến như thế nào? 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu: Tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, năm 2013 đã ghi nhận 30.910 trường hợp mắc sởi, tăng gần 3 lần so với 2012. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2014 đã có 11.139 trường hợp mắc sởi. Các nước có số mắc gia tăng trong 2 tháng năm 2014 là: Trung Quốc (6.104 mắc, 2 tử vong), Philippines (3.706 mắc, 69 tử vong), Nhật Bản (119 mắc), Singapore (55 mắc). 

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học) tại 59 tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế đã lấy 4.335 mẫu xét nghiệm, có 2.303 mẫu dương tính với sởi (53%). Tích lũy từ tháng 11/2013 đến 31/3/2014 ghi nhận 3.380 trường hợp mắc sởi, trong đó có 25 trường hợp tử vong; số mắc thấp hơn vụ dịch năm 2009-2010 (8.233 trường hợp mắc). 

Các trường hợp mắc bệnh rải rác tại nhiều tỉnh. Tuy nhiên, tại một số tỉnh ghi nhận ổ dịch sởi tập trung với quy mô nhỏ và vừa như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng. 

PV: Có ý kiến cho rằng dịch sởi năm nay đang có những diễn biến bất thường. Cục trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu: Để xem xét dịch có những diễn biến bất thường hay không cần phải dựa vào các yếu tố chính: thứ nhất là xem các tác nhân gây bệnh có những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào. Theo các chuyên gia vi rút học, các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. 

Theo nhận định, dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4 - 5 năm kể từ vụ dịch 2009 - 2010. Nguyên nhân là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em. Qua thống kê báo cáo cho thấy các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với số người mắc sởi năm 2009 - 2010. 

PV: Hiện nay, dịch sởi đã xuất hiện tại 59 tỉnh, thành phố song Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch. Ông có thể cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này? 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu: Ngay khi các ca bệnh sởi được ghi nhận tại một số địa phương của các tỉnh miền núi phía Bắc từ tháng 2/2014, Bộ Y tế đã thông báo và chỉ đạo các địa phương này triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Nhận định tình hình bệnh sởi có khả năng lan rộng đối với những trẻ chưa được tiêm phòng sởi, Bộ Y tế cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 63/63 tỉnh, thành phố để thông báo tình hình dịch và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi cho toàn bộ trẻ em từ 9 đến 24 tháng tuổi (riêng thành phố Hồ Chí Minh đối với trẻ từ 9 - 3 tuổi) và Kế hoạch này cũng đã được thông báo tới toàn bộ các bà mẹ có con từ 1 đến 2 tuổi. 

Tuy vậy, việc khi nào công bố dịch sởi cần phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2010. Theo Quyết định, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: 

- Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

- Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả. Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả. Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm hoạ. 

Căn cứ vào nội dung trên, nhiều địa phương sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhất là việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi đã đánh giá cơ bản khống chế được tình hình bệnh sởi, số trường hợp mắc đã bắt đầu giảm. Đồng thời, Bộ Y tế sau khi họp các chuyên gia cũng không thấy có sự biến đổi của vi rút sởi nên UBND các tỉnh không công bố dịch. 

Như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố đã thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website và trên các đài báo, đồng thời đã triển khai rất nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. 

PV: Như thông báo, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh. Như vậy, theo ông có cần phải thay đổi lịch tiêm sớm hơn để phòng bệnh sởi cho trẻ không? 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu: Lịch tiêm vắc xin theo độ tuổi của mỗi loại vắc xin có khác nhau. Ví dụ đối với bạch hầu, ho gà, uốn ván phải tiêm cho trẻ vào lúc 2 tháng tuổi và cho trẻ uống vắc xin bại liệt cũng vào thời điểm này. Vắc xin sởi phải tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi vì lúc đó miễn dịch của mẹ truyền cho con sẽ hết và tiêm vắc xin vào lúc này có giá trị đạt hiệu quả cao. 

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong giai đoạn 2000 - 2012, nhờ có vắc xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới. Phân tích các trường hợp mắc sởi tại nước ta, thời gian vừa qua cho thấy đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%), chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc xin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%); đồng thời tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao số ca mắc xảy ra rải rác. Điều này cho thấy việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng. Phân tích theo nhóm tuổi thấy chủ yếu số trẻ mắc dưới 10 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ thấp do miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 9 tháng sau khi ra đời. 

Qua trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy việc tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi thấp hơn, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi hiệu lực bảo vệ thấp và không chắc chắn về tính an toàn của vắc xin đối với trẻ. Như vậy, việc tiêm phòng vắc xin sởi bắt đầu từ tháng thứ 9 là tốt nhất để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn sau khi miễn dịch bảo vệ của mẹ truyền cho con hết vào tháng thứ 9 sau khi ra đời. Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên trong khoảng 9 - 12 tháng tuổi.

Theo Thu Phương/TTXVN

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...