Thứ bảy, 11/01/2025, 08:39 [GMT+7]

"Bão giá": Tiết kiệm từng đồng, lương vẫn không đủ sống

Thứ tư, 07/08/2013 - 08:24'
Thông tin giá điện tăng 5% từ ngày 1.8 như giọt nước tràn ly. Xăng đã tăng, gas đã tăng, sữa tăng, thực phẩm tăng và rồi sẽ còn những gì tăng giá nữa... khiến người lao động phải thêm một lần tính toán để đồng lương ít ỏi có thể gánh được giá cả. Báo Lao Động khởi đăng loạt bài phản ánh cuộc sống khó khăn của người lao động với mong muốn nhận được sự sẻ chia, hiến kế... giúp người lao động vượt qua thời “bão giá”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hợi - công nhân Cty sản xuất giày da KCX Linh Trung (TPHCM) - bên bữa cơm tối đạm bạc. Ảnh: Khương Quỳnh

Cầm 100.000 đồng đi chợ, chị Nguyễn Thị Hợi đi qua, đi lại mà chưa biết mua gì. Với 100.000 này, chị phải mua thịt bò nấu cháo cho con nhỏ, mua gạo và thức ăn cho 3 người lớn trong cả ngày. Chị xuýt xoa: “Khổ quá! Thời buổi cái gì cũng tăng giá, mà lương mãi chẳng thấy tăng”.

Giá mà được… tăng ca

Chị Nguyễn Thị Hợi - công nhân một Cty sản xuất giày da trong Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức, TPHCM) - cho biết, lương chính thức của một công nhân gắn bó 6 năm trời là 3,5 triệu đồng/tháng, phụ cấp 50.000 đồng. 

Những người có con nhỏ như chị có khoản phụ cấp giữ trẻ là... 20.000 đồng/tháng. Mỗi năm, Cty tăng lương 1 lần từ 200.000 - 300.000 đồng. Tuy vậy, năm nay, Cty chưa tăng lương đợt nào. Và theo Luật LĐ thì những công nhân nữ có con nhỏ không được tăng ca. 

Vậy là ngoài lương chính thức, chị không có thêm khoản thu nhập nào khác. Chị ngậm ngùi: “Giá mà được tăng ca để kiếm thêm ít cũng đỡ”.

Hai vợ chồng chị đều là công nhân, dắt díu nhau từ Nghệ An vào TPHCM kiếm sống. Lương của anh phải để dành gửi về nuôi một đứa con trai còn đi học và người cha già ở quê. Vì vậy, hai vợ chồng chị phải cân nhắc chi tiêu khéo léo với vẻn vẹn khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.

Với số tiền này, anh chị phải trả tiền trọ hết 1,2 triệu đồng, tiền điện nước 200.000 đồng, tiền sữa cho con 2 hộp hết hơn 600.000 đồng, tiền xăng và tiền gas khoảng 500.000 đồng. 

Tính ra, anh chị chỉ còn khoảng 2,5 triệu đồng tiền ăn mỗi tháng. Trong khi đó, chị phải dành ra gần 30.000 đồng mỗi ngày để mua thịt bò, tôm, hay xương để hầm cháo cho con nhỏ. 

Bài toán nhiều phép trừ

Chị tâm sự: “Tôi là dân lao động nên không biết chuyện Nhà nước tăng giá vì lý do gì. Chỉ thấy tự nhiên giá mọi thứ cứ tăng vùn vụt. Tiền thuê phòng trọ mỗi năm tăng 100.000 đồng. Tiền điện mỗi năm tăng 500 đồng/kWh. 

Tôi không quan tâm giá xăng lắm, chỉ thấy dạo gần đây, đổ 60.000 đồng mà thấy chưa được đầy bình như trước đây nên nghĩ chắc giá xăng tăng, chứ tăng bao nhiêu thì chịu vì cũng chẳng mấy khi đọc báo. 

Cầm 100.000 đồng đi chợ cũng thấy khó mua, rau cỏ càng ngày càng đắt đỏ. Nghe nói sắp tới giá sữa tăng nữa thì phải? Sao mà vô lý rứa không biết”.

 

Bữa ăn của công nhân sẽ giảm chất khi các mặt hàng tiêu dùng tăng giá? Ảnh: H.A

Chị nói, vô lý nhất là giá phòng trọ mỗi năm tăng 100.000 đồng. Lý do tăng cũng rất vô lý: “Chủ trọ cứ hóng đến đúng ngày công nhân được tăng lương là đến thông báo tăng giá phòng trọ. Lương tăng có 200.000 đồng mà trọ cũng tăng theo nên thành ra chẳng dư giả thêm chút nào. Tội cho mấy đứa sinh viên thuê trọ cũng bị tăng giá phòng, trong khi mấy đứa có lương đâu mà tăng”.

Lương công nhân ít ỏi lại vướng bận con nhỏ, đã hai năm nay, vợ chồng chị không được về quê ăn tết: “Về ăn tết, vợ chồng con cái cũng hết mười mấy triệu. Về được vài bữa, vào Sài Gòn lại lo tiền ăn cũng khổ. 

Năm ngoái, lo cho bà nội về đã hết 6 triệu đồng rồi. Năm nay, ráng tiết kiệm mà về chứ nhớ quê, nhớ con, nhớ ông bà hết chịu nổi. Nói tiết kiệm chứ thấy xài chừng này là tiết kiệm lắm rồi. Mỗi tháng đi một vài đám cưới là thấy xót ruột lắm. Vợ chồng có dám mua áo quần mới mô”.

Gia đình chị Hợi cũng như bao nhiêu gia đình công nhân khác đang đau đầu trong bài toán làm sao để sống với đồng lương ít ỏi. Bài toán đó có khi sẽ phải dùng nhiều phép trừ. Trừ đi những nhu cầu cần thiết nhất trong cuộc sống để bù vào cái khoản phải trả thêm cho giá xăng, giá gas, giá điện, giá sữa, giá thực phẩm...

 

Theo Laodong (Thứ tư 07/08/2013 07:26)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...