Chủ nhật, 12/01/2025, 22:33 [GMT+7]

"Dô dô, dô dô"..."cạch" rồi đến đánh, chửi nhau!

Thứ năm, 23/10/2014 - 07:58'
Những ngày qua, dư luận bàn tán nhiều đến việc một số cán bộ uống rượu say trong giờ làm việc, dẫn đến những hành vi khiếm nhã, gây bức xúc trong xã hội. Từ đó, câu hỏi đặt ra cho việc rèn luyện lối sống đạo đức của một số cán bộ, công chức có vấn đề, cần phải được xem xét.

Sáng 15/10, khi hàng trăm công nhân của một công ty bị ngộ độc thực phẩm đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh trong tình trạng nguy cấp, phóng viên các cơ quan báo chí có mặt tại đây để tác nghiệp đã bị ông Giám đốc Phạm Văn Phán liên tục có hành vi khiếm nhã, cản trở. 

Ngay sau đó, Bộ Y tế chỉ đạo cấp có thẩm quyền đình chỉ công tác đối với ông Phạm văn Phán vì có hành vi vi phạm nghiêm trọng lối sống, đạo đức nghề nghiệp, tác phong người cán bộ, như: say rượu, văng tục,…nghiêm trọng hơn còn thách thức và cản trở phóng viên tác nghiệp. 

Sau khi sự việc xảy ra, ông này cũng đã phân trần với báo chí hậu quả trên là do say rượu, không làm chủ được bản thân…và chung quy là do rượu! 

Ảnh minh họa. Nguồn: VNmedia.vn

Khoảng 22 giờ cùng ngày, một vụ liên quan đến "say" nữa cũng xảy ra ở phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, khi một "sếp" đường bộ bị một giám đốc công ty cầu đường dùng cả cốc bia đập vào đầu gây trọng thương, khi mà vừa trước đó vẫn "nâng cốc", "hạ cốc" cùng nhau rất khí thế. 

Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Tuyến - Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ 73.4 (Công ty CP Đầu tư Xây dựng công trình giao thông 73) đảm trách địa bàn TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, bản thân ông cùng người bạn nhậu khác cũng không biết vì sao mình bị đánh. 

Còn người "thượng cẳng" với ông Tuyến là ông ông Huỳnh Hớn Dũng, Giám đốc Công ty Cầu đường 719. Khi được hỏi nguyên cớ cho hành động đập ly bia vào mặt, đánh "sếp" cầu đường phải nhập viện cấp cứu khi cả hai đang nhậu chung bàn, vị giám đốc này cũng không thể tự lý giải được các hành vi của mình, nghe lý do ngớ ngẩn đến nực cười. 

Ngày 16/10, khi trao đổi với báo giới qua điện thoại, ông Dũng phân trần: “Tôi đang trên đường đi Cần Thơ để thăm anh Tuyến. Chuyện tối qua tôi không nhớ gì cả và cũng không hiểu vì sao tôi lại đánh anh Tuyến. Tôi với anh Tuyến là bạn bè, gặp nhau đang vui vẻ không hiểu sao lại xảy ra chuyện này. Tôi say quá, khi thức dậy mới biết là đã đánh anh Tuyến, sau đó được tài xế chở về Bạc Liêu”….và vụ này chung quy nguyên nhân là do bia! 

Chúng ta còn chưa quên, trước đó từng xảy ra vụ ẩu đả vào khoảng 14 giờ ngày 12/8, mà người ta nói vui là vụ "ông Nội táng ông Ngoại" ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ông Phạm Thành Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ và ông Bùi Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, trong buổi nhậu khi đi tiếp khách tại một nhà hàng karaoke ở đường Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài, đã lời qua tiếng lại, đỉnh điểm là một cuộc ẩu đả. Hậu quả, một ông phải đi viện cấp cứu trong tình trạng mất máu và khâu nhiều mũi ở vùng tai và vùng đầu…Bất luận, các "ông" có phân trần lý do gì, ngụy biện thế nào đi nữa, thì đây cũng là hệ quả do "nhậu" mà ra. 

Trong các lý do của các vụ việc trên, chúng ta luôn thấy liên quan đến chữ "say", chữ "nhậu", và không rượu thì bia nó như một thứ lý do "cứu cánh" để họ thoải mái đổ tội hòng che lấp đi cái bê tha của bản thân mình.

Ngay trong bản giải trình của vụ "ông Nội táng ông Ngoại", hai sếp phó cũng đã thừa nhận việc uống bia trong giờ làm việc là sai quy định đối với cán bộ công chức…Tuy nhiên, họ "biết thừa" là sai nhưng họ vẫn vi phạm. Điều đó cho thấy, việc thực hiện quy định về cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ làm việc khó mà đạt được kết quả như kỳ vọng, khi mà ý thức chấp hành luật và quy định, kỷ luật của một bộ phận cán bộ công chức một số đơn vị cơ quan chưa cao. 

Việc đề xuất hạn chế uống rượu bia của ngành giao thông trước đây nhằm giảm thiểu các tai nạn giao thông, đó hẳn là những ý kiến, những đề xuất rất thiết thực. Song, trong các vụ việc mà chúng ta từng chứng kiến thời gian qua, không hiếm gặp các vụ cán bộ công chức say xỉn, điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người, thậm chí mất kiểm soát gây tai nạn liên hoàn, rồi rồ ga bỏ chạy. 

Hãy để tục "ẩm thực" thật sự là nét văn hóa, đừng lạm dụng rượu rồi để "rượu uống người" mà gây họa cho cộng đồng, rồi khi giải trình lại ngụy biện là tại…say.

 

 

 

Theo Trần Quang Chiến/dangcongsanVietNam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...