Stress - Hậu quả khôn lường
Chăm sóc bệnh nhân gặp các vấn đề rối loạn do stress tại Viện Sức khỏe tâm thần.Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Chỉ có 30% số ca bệnh được điều trị
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Thậm chí, trong thực tế, con số này còn lớn hơn và ngày càng gia tăng. Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như cách đây 15-20 năm, trung bình tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… liên quan đến stress.
Là một người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường nhưng từ khi xây nhà, số tiền vay mượn quá lớn dẫn đến áp lực kinh tế nên chị Hồ Thị A (38 tuổi ở Hà Nội) rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Lo lắng ngày càng nhiều khiến chị bị mất ngủ triền miên. Không chỉ vậy, chị còn thường xuyên bị đau đầu, luôn cảm thấy căng thẳng, hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực, dạ dày trào ngược, khó tập trung, giảm trí nhớ… Khi vào Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia khám, chị A được chẩn đoán bị rối loạn lo âu lan tỏa - một dạng rối loạn tâm thần khi bị stress kéo dài.
Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) cho biết, các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam. Nguyên nhân có thể do sức ép công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, thiệt hại về kinh tế, mất người thân… Stress được biết đến là “kẻ giết người thầm lặng” và đang dần trở thành một vấn nạn không loại trừ bất kỳ ai.
Thậm chí, có nhiều thanh, thiếu niên đến khám có hành vi tự hủy hoại bản thân như: Dứt mảng tóc, cào xước chân tay... vì căng thẳng học hành. Trong số đó có rất nhiều trẻ là học sinh giỏi, học ở những trường chuyên, lớp chọn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Minh Tâm, chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến stress được phát hiện tại cơ sở y tế và khoảng 10% bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu được giúp đỡ. Đa phần bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn. Đáng nói, họ đã đi khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp… nhiều lần trước khi đến với chuyên khoa tâm thần.
Hơn nữa, việc dùng không đúng thuốc và phác đồ điều trị không hợp lý khiến bệnh ngày càng nặng thêm. Không ít trường hợp còn tự điều trị bằng rượu, ma túy, chất kích thích hay lạm dụng thuốc ngủ dẫn đến bị nghiện.
Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: Người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, thường đánh đồng tất cả là điên, là phải gào thét hay đi lang thang ngoài đường mà không biết có nhiều rối loạn diễn biến âm thầm khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... Thực tế, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần. Có những trường hợp do stress kéo dài còn dẫn đến ý định và hành vi tự sát...
Giải tỏa stress càng sớm càng tốt
Bác sĩ Dương Minh Tâm cho rằng, một người có nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Ngược lại, những người có tính cách yếu đuối, chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một cú stress nhẹ. Khi phát hiện bản thân có các triệu chứng của bệnh lý liên quan đến stress như: Mất ngủ kéo dài, tức ngực, mệt mỏi, hồi hộp vã mồ hôi, lo âu, giảm trí nhớ… nên đến chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị sớm.
Bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần do stress được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai).
Để tăng sức đề kháng với stress, bác sĩ Trần Quyết Thắng khuyến cáo, mỗi người cần tự giải tỏa stress càng sớm càng tốt bằng cách điều chỉnh lối sống, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn. Kết hợp với một chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục để giữ cơ thể khỏe mạnh, không để tăng cân hay xuống cân quá nhanh. Mỗi người cũng phải học cách chấp nhận hoàn cảnh bất lợi đến với mình và tìm cách cải thiện nó. Đặc biệt, phải thực hiện liệu pháp thư giãn, có tác dụng làm giảm nhịp tim, nhịp thở để đối kháng lại phản ứng stress…
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc, đối phó với stress đòi hỏi giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp mỗi người có nhận thức đúng về các rối loạn tâm thần, tự nhận biết, phát hiện càng sớm càng tốt để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng thông qua những mô hình tăng cường kỹ năng sống trong trường học hay câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi; tăng cường hoạt động thể lực cho người dân ở cộng đồng...
Đặc biệt, để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm nhằm điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc các chứng rối loạn tâm thần thì cần đầu tư, phát triển các cơ sở chuyên khoa tâm thần, lồng ghép phù hợp công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt động của các cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa, chuyên ngành khác ở tất cả các tuyến y tế.
Theo THU TRANG/hanoimoi.com.vn/ 06:55 thứ hai ngày 08/04/2019
Bình luận