Nậm Nhùn
Tìm phương án quản lý chợ trung tâm
Tháng 4/2013, UBND huyện Nậm Nhùn tiếp nhận bàn giao từ Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La 28 ki-ốt chợ tạm. Đến ngày 16/4/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 350/QĐ-UBND về điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Nậm Nhùn) trong đó có quy hoạch chợ trung tâm thị trấn Nậm Nhùn tại vị trí chợ tạm và sân vận động do Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La bàn giao có tổng diện tích khoảng 1,7ha. Sau khi được bàn giao, theo yêu cầu của Ngân hàng Tái thiết Đức (là ngân hàng cho vay xây dựng nhà máy) phải di chuyển các cơ sở kinh doanh, buôn bán từ khu vực chợ cũ chật hẹp ở bản Noong Kiêng sang khu vực chợ mới rộng rãi hơn, đảm bảo nhu cầu mua bán hàng hóa, sinh hoạt của người dân tái định cư.
Chợ trung tâm thị trấn Nậm Nhùn xập xệ, xuống cấp và ít người đến.
Chỉ trong 2 tháng (từ tháng 2-3/2014), huyện đã ra nhiều thông báo, quyết định về việc di chuyển các hộ kinh doanh, tuyên truyền vận động bà con ra buôn bán ở khu vực chợ mới. Đồng thời, tiến hành bốc thăm, phân lô, phê duyệt danh sách các hộ bốc thăm trúng lô đất tại chợ trung tâm thị trấn Nậm Nhùn. Được biết, hạ tầng chợ trung tâm thị trấn Nậm Nhùn gồm 33 ki-ốt xây tường ngăn cứng, bắn mái có tổng diện tích 772m2. Cùng nhiều ki-ốt kinh doanh tạp hóa, ăn uống, cafe… do các hộ kinh doanh đầu tư xây dựng với tổng số tiền trên 9,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư gồm: hệ thống thoát nước, điện sinh hoạt, xây dựng, nâng cấp hạ tầng các năm 2017 và 2020 với tổng kinh phí khoảng 5,7 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, chợ được UBND huyện Nậm Nhùn giao cho UBND thị trấn quản lý, vận hành. Song cho đến nay, rất nhiều vấn đề phát sinh sau gần 10 năm chợ đi vào hoạt động, trong đó, nổi cộm nhất là việc chuyển đổi mô hình quản lý chưa được thực hiện dẫn đến việc quản lý, thu từ các nguồn thu thuế không có. Hiện nay, tại chợ chỉ có một bảo vệ trông nom và thu phí ra vào chợ. Việc thu cũng không được nhiều, chỉ vài chục nghìn đồng/ngày đủ để trả tiền công hàng ngày. Việc rà soát để cho thuê đất chưa được thực hiện khiến các hộ kinh doanh cũng không yên tâm kinh doanh, buôn bán. Lý do bởi thời điểm năm 2013, khi chuyển ra chợ mới rất nhiều hộ tự bỏ tiền xây ki-ốt theo hướng dẫn của huyện nhưng không có giấy tờ hay cam kết nào về thời gian cho thuê, sử dụng đất tại chợ. Tức là hiện nay, 33 ki-ốt xây tường ngăn cứng là do các hộ kinh doanh tự bỏ tiền xây dựng, còn đất lại thuộc sự quản lý của thị trấn. Rất nhiều ki-ốt hiện không kinh doanh thương mại mà làm nhà ở hay thậm chí là chỗ nuôi lợn, gà của các hộ dân. Các vấn đề về sạt lở đất khu vực phía sau chợ hay nguy cơ mất an toàn phòng, chống cháy nổ đang hiện hữu hàng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên, theo thông tin từ Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Nậm Nhùn cho biết: Đất chợ theo quy hoạch được UBND tỉnh giao cho UBND thị trấn tại Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 2/3/2017. Tuy nhiên, việc giao đất là giao tổng thể quy hoạch chung chứ không riêng khu vực chợ. Huyện muốn tách quy hoạch riêng khu chợ để cải tạo, nâng cấp và thực hiện các công tác quản lý khác vẫn chưa thể thực hiện. Đối với tài sản trên chợ, gồm cả tiền đầu tư của Nhà nước và các hộ dân. Do đó, không thể thực hiện được các hình thức chuyển đổi gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản như đấu thầu cho thuê đất, giao đất theo quy định của pháp luật.
Ông Ngô Hồng Kiên - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Nhùn cho biết: Để xử lý các vấn đề trên, Phòng đã tham mưu UBND huyện nhiều văn bản xin ý kiến về chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận giao quyền sử dụng đất riêng khu chợ cho UBND thị trấn Nậm Nhùn là chủ thể quản lý. Các ki-ốt do hộ kinh doanh xây dựng tiếp tục được quản lý, sử dụng nếu có nhu cầu cấp sổ hồng thì xem xét cấp cho các hộ. Không phải nộp tiền thuê ki-ốt mà chỉ nộp tiền thuế sử dụng đất theo diện tích xác định.
Cũng theo ông Kiên, đối với các ki-ốt, tài sản do Nhà nước đầu tư được quản lý, sử dụng, giữ nguyên hiện trạng nhưng phải đóng thuế sử dụng đất, tiền thuê theo diện tích thực tế.
Đối với các hộ kinh doanh tại chợ, hiện nay nhiều hộ cũng không mặn mà bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nhiều năm nay không còn sôi nổi như trước. Chị Nguyễn Thị Hoài, một hộ kinh doanh tại chợ cho biết: “Gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng xây ki-ốt kinh doanh. Trước kia còn buôn bán được nhưng hiện nay do công nhân thủy điện đã về hết, chợ vắng lắm. Từ buôn bán tạp hóa, giờ tôi chỉ bán trà đá và mấy thứ lặt vặt kiếm tiền sinh hoạt hàng ngày. Cũng mong Nhà nước chuyển đổi mô hình quản lý, quy hoạch lại chợ để hoạt động buôn bán được tốt hơn”.
Cho đến thời điểm này, UBND huyện Nậm Nhùn, các phòng, ban chuyên môn và thị trấn vẫn đang tìm phương án quản lý chợ cho phù hợp. Việc xuống cấp về hạ tầng, mất an toàn cháy nổ, lãng phí vẫn đang diễn ra. Vậy nên, việc tìm ra phương án quản lý khoa học, phù hợp là việc làm cần sớm thực hiện trong thời gian tới.
Nguyễn Tùng
Bình luận