Chủ nhật, 12/01/2025, 02:52 [GMT+7]

Tăng cước điện thoại quốc tế chiều về: Không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng

Thứ sáu, 17/01/2014 - 07:53'
Các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ viễn thông vừa có kiến nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đề nghị tăng cước điện thoại quốc tế chiều về trong năm 2014.

Đề xuất này cũng là một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ TT-TT xem xét, nghiên cứu từ giữa năm 2013. Đáng chú ý, sau khi có thông tin này, trên một số diễn đàn, nhiều bạn đọc cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay việc viễn thông tăng giá gây thiệt hại cho khách hàng… Vậy, có hay không chuyện khách hàng bị ảnh hưởng?

Cụ thể, các DN VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC cùng kiến nghị Bộ TT-TT tăng cước quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) từ 6,1 cent/phút hiện nay lên 8,1 cent/phút (tương đương khoảng 1.700 đồng/phút). Các DN viện dẫn mức cước 8,1 cent phù hợp với mặt bằng chung của khu vực cũng như thế giới và bảo đảm lợi nhuận của DN trong nước, đem lại ngoại tệ cho đất nước. Các DN cho rằng, nếu Bộ chấp thuận cho tăng cước thì dự kiến dịch vụ này sẽ đem lại doanh thu 12 triệu USD/năm, tương đương 250 tỷ đồng/năm. 

Nhà mạng đề xuất tăng cước gọi di động và quốc tế chiều về từ 6,1 cent lên 8,1 cent/phút. Ảnh: Nguyễn Lê

Nhà mạng đề xuất tăng cước gọi di động và quốc tế chiều về từ 6,1 cent lên 8,1 cent/phút. Ảnh: Nguyễn Lê

Sau khi có thông tin DN viễn thông đề xuất tăng cước, nhiều khách hàng bày tỏ ý kiến của mình qua các bình luận trên các diễn đàn và qua mạng xã hội. Các ý kiến khách hàng là du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài đều lo ngại việc tăng cước VoIP chiều về khiến họ tốn thêm chi phí trong bối cảnh chi tiêu đắt đỏ như hiện nay. Kèm theo quan điểm "phản đối" tăng cước, các ý kiến cũng thêm rằng nhà mạng cứ việc tăng cước, họ sẽ chuyển qua dùng các dịch vụ OTT qua wifi… và khi đó có thể nhà mạng sẽ thiệt hại về doanh thu tới 12 triệu USD (bằng số tiền có thể tăng thu từ VoIP chiều về) (?!).

Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, khi đề xuất kiến nghị tăng cước, DN cũng đã dự tính lưu lượng sụt giảm khoảng 20%, trong đó có tính tới tình trạng người thực hiện cuộc gọi về Việt Nam qua các dịch vụ OTT; song bù lại DN trong nước sẽ thu được 12 triệu USD từ các đối tác nước ngoài trả cước kết nối chiều về quốc tế. Thực tế, trong lần tăng cước năm 2013, thời gian đầu lưu lượng cuộc gọi về giảm 20% nhưng doanh thu lại tăng thêm 75 triệu USD (tương đương 1.550 tỷ đồng). 

Trở lại với ý kiến của khách hàng về việc tăng cước VoIP và câu chuyện có hay không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng? Trước hết, dịch vụ VoIP có những thời điểm phát triển mạnh và có gần 10 nhà cung cấp trong đó có các tên tuổi lớn như VNPT, Viettel, FPT, CMC. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây có sự cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá giữa các nhà cung cấp và kết quả là năm 2012 giá cước chỉ còn 2,6 USD/cent/phút (chưa đến 600 đồng/phút), ảnh hưởng đến chính DN và quyền lợi quốc gia. Được biết, để cạnh tranh với các DN lớn cung cấp dịch vụ này, các DN nhỏ dùng chiêu thức hạ giá để lôi kéo nhà mạng nước ngoài chuyển lưu lượng qua mà không kết nối trực tiếp với một số nhà cung cấp lớn trong nước... thành ra nhà mạng đối tác nước ngoài được lợi dù họ vẫn thu tiền của người gọi ở nước ngoài về Việt Nam theo giá của họ (được biết DN trong nước ước thiệt hại khoảng 45 triệu USD/năm cho đối tác nước ngoài khi cạnh tranh phá giá). Chỉ đến khi Bộ TT-TT vào cuộc, đưa ra các giải pháp trong đó có việc tăng cước VoIP quốc tế chiều về lên 4,1 cent/phút, rồi tăng tiếp lên 6,1 cent/phút, thị trường mới lập lại trật tự và như công bố năm 2013 DN trong nước có thêm 75 triệu USD. 

Từ những thông tin này cho thấy, việc DN trong nước đề xuất tăng cước quốc tế chiều về là không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Việt Nam ở nước ngoài, mà số tiền tăng thêm dự kiến là do đối tác nước ngoài chi trả lại cước kết nối với DN trong nước.

Theo Việt Nga/Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...