Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trao đổi với chúng tôi, anh Khúc Văn Phong - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Qua công tác quản lý cho thấy, trên địa bàn thành phố hình thức vi phạm quyền lợi NTD chủ yếu liên quan đến hàng hóa tiêu dùng hàng ngày như: Tiêu thụ hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm... Những năm gần đây, hình thức mua sắm trực tuyến của NTD cũng khá đa dạng, NTD có thể trao đổi hàng hóa thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như: Facebook, Zalo... hoặc qua chương trình quảng cáo trên tivi (tiến hành giao dịch qua điện thoại) thì vấn đề vi phạm quyền lợi NTD đang diễn ra khá phổ biến. Phòng đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ quyền lợi NTD đến toàn dân. Góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội. Đồng thời, cải thiện đạo đức và hình thành văn hóa kinh doanh, tiến tới phục vụ tiêu dùng an toàn, văn minh của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Nói đến Lai Châu thì ai cũng có thể biết đến thương hiệu gạo séng cù, tẻ râu. Đó là một trong những sản phẩm được tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu OCOP. Tuy nhiên hiện nay việc trộn lẫn, giả mạo gạo đã và đang xuất hiện ngoài thị trường. Bà N.T.B ở tổ dân phố số 7, phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Gia đình tôi thường sử dụng gạo séng cù trong các bữa ăn hàng hàng, vì loại gạo này thơm và dẻo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi mua phải hàng trộn lẫn các gạo khác, mang về nấu bị khô và cứng. Tôi cũng chỉ biết im lặng, tặc lưỡi qua chuyện và tự nhủ lần sau sẽ chú ý hơn trong việc lựa chọn gạo”.
Vấn đề an toàn thực phẩm tại các khu chợ luôn được người tiêu dùng và ngành chức năng quan tâm. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Đoàn Kết (thành phố Lai Châu).
Ngoài mặt hàng gạo, còn rất nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng trong tình trạng tương tự. Chị L.T.M ở tổ dân phố số 1, phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) bức xúc nói: “Rất nhiều lần tôi mua phải hàng hết hạn sử dụng, chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu (dầu ăn, mì chính, nước mắm…). Vì mải công việc nên tôi chỉ vào chọn sản phẩm đang có nhu cầu và đem ra thanh toán. Khi về mang ra sử dụng thì mới phát hiện hàng hết hạn sử dụng. Có lúc tôi đổi được hàng khác, có lúc thì cửa hàng cần phiếu thanh toán… đổi trả hàng hóa cũng phải mất nhiều thời gian, rắc rối”. Không chỉ có chị M. và chị B. mà còn rất nhiều NTD bị xâm phạm quyền lợi của bản thân và chọn cách im lặng. Một phần người tiêu dùng chưa nắm hết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đôi khi luật chưa đáp ứng các nhu cầu thực tế phát sinh. Do đó, xảy ra tình trạng gây thiệt hại cho NTD. Điều này cho thấy, NTD còn có tâm lý ngại va chạm đối với các tổ chức, cơ quan Nhà nước.
Anh Khúc Văn Phong cho biết thêm: Không phải NTD nào khi gặp phải những rủi ro khi giao dịch, mua hàng đều gửi đơn khiếu nại. Nếu như trước đây, khi quyền lợi bị xâm phạm, NTD còn khá e dè trong việc phản ảnh lại với cơ quan chức năng để được giải quyết, thì nay, họ đã chủ động hơn trong vấn đề này. NTD ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Việc NTD vẫn còn tâm lý ngại phản ánh khi quyền lợi bị xâm phạm là do một phần giá trị sản phẩm không lớn, phần khác khi làm to chuyện sẽ liên quan đến nhiều cơ quan công quyền khác nhau nên sẽ rất mất thời gian, đồng thời phải cung cấp những tài liệu chứng minh. Những giao dịch nhỏ lẻ như vậy NTD thường chấp nhận, coi đó như một “tai nạn” khi mua sắm.
Được biết, năm 2021, Ngày quyền NTD có chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”, với mục đích kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và NTD chấp hành nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn có ý nghĩa trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước. Từ đó, định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng theo quy định; xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; ý thức chủ động bảo vệ bản thân của NTD khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD.
Bạch Dương
Bình luận