Tăng lương cho người lao động theo lộ trình: Tiếp tục lỗi hẹn?
Song, trong báo cáo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 mới nhất, Bộ Tài chính công bố trong tháng 10 không thấy đề cập đến nguồn thực hiện. Điều này khiến dư luận lo ngại, tiến trình tăng lương cơ sở sẽ tiếp tục lặp lại điệp khúc lỗi hẹn?
Việc tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức hay không đến nay vẫn chưa có đáp án. Ảnh: Nhật Nam.
Ba năm chưa tăng lương cơ sở
Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016 của Chính phủ. Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày không thấy đề cập nguồn chi lương cơ sở năm 2016 theo lộ trình. Lý giải về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thu từ dầu khí giảm mạnh; mức độ huy động vào ngân sách nhà nước từ GDP qua thuế, phí cũng có xu hướng giảm so với trước, nên cơ quan này yêu cầu các địa phương không gây áp lực cho ngân sách trung ương về vấn đề tiền lương. Theo đó, năm 2016 sẽ giảm số chi ngân sách trung ương cho việc chi tiền lương tương ứng. Các địa phương cần giảm 5% chi thường xuyên để bảo đảm việc chi lương của địa bàn.
Báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hoàn thiện ngày 11-10-2015 cũng không đưa ra bất kể khuyến cáo nào về việc nên hay không nên tăng lương cơ sở năm 2016 và cũng chỉ nêu là cơ bản nhất trí với dự toán thu chi ngân sách năm 2016, chỉ lưu ý tăng chi cho việc duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông, rà soát lại các khoản thu và không bỏ sót nguồn thu, tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách…
Trước việc không đề cập đến việc điều chỉnh lương cơ sở năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn về: "Lương tối thiểu đã cao gấp 2 lần lương cơ sở từ 3 năm qua. Nếu tiếp tục không đặt vấn đề tăng lương cho cán bộ, công chức (CBCC) có hệ số từ 2,34 trở lên thì phải cân nhắc cho kỹ vì mức sống tối thiểu của người lao động hiện chưa đạt được".
Phải giải trình
Theo luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các thông tin trên cho thấy, dù chưa có đề xuất chính thức của Bộ Tài chính, nhưng căn cứ vào tình hình năm 2015, dự toán thu chi ngân sách năm 2016, có thể phỏng đoán, Bộ Tài chính đã gián tiếp nói không với việc tăng lương. Chủ trương này đi ngược lại với kỳ vọng của dư luận.
Song căn cứ quy định hiện hành, Bộ Tài chính chỉ là cơ quan đề xuất, không được quyết định vấn đề này. Việc tăng lương cho CBCC sẽ tiếp tục được Quốc hội bàn bạc và thống nhất tại kỳ họp thứ mười diễn ra từ ngày 20-10 đến 28-11 tới, trên cơ sở giải trình của Bộ Tài chính, ý kiến đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế. Giả sử đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận - năm 2016 vẫn không đặt vấn đề tăng lương cho CBCC có hệ số từ 2,34 trở lên, tức năm thứ tư liên tiếp không tăng lương cơ sở, đây sẽ là tin không vui đối với CBCC. Trường hợp tăng lương, chắc chắn cũng không thể đạt so với kế hoạch vì số tiền vượt thu không cao, lại phải chi cho rất nhiều việc.
Theo chị Lê Thị Thu Thủy, ở phường Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy, 3 năm qua, CBCC đã chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Nay theo công bố của Bộ Tài chính, thu ngân sách năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, đây rõ ràng là thời điểm để Quốc hội, Chính phủ bù lại món "nợ" tăng lương, dù có thể chưa kịp với lộ trình. Nếu không tăng lương đồng nghĩa khó có thể hy vọng thu hút được một lực lượng lao động giỏi làm việc ở các cơ quan nhà nước. Chính phủ cần cân nhắc bố trí sao để từ 2016 trở đi thực hiện điều chỉnh lương cơ sở được như kế hoạch đề ra là đến 2020 tiền lương cơ sở phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của CBCC như Ủy ban quốc gia về Cải cách tiền lương đã tính đến.
Cùng trăn trở này, anh Nguyễn Việt Tâm, ở Dương Nội, Hà Đông nhận xét, Bộ Tài chính không nên nói "cứng" là không còn nguồn tăng lương mà cần phải tính toán thêm, căn cứ vào thực tế diễn biến thu chi những tháng cuối năm. Vì bản thân mức lương cơ sở đang quá thấp (mới đạt 1.150.000 đồng/tháng), đời sống CBCC rất khó khăn. Báo cáo của Bộ Nội vụ gửi tới Quốc hội cũng từng phản ánh lương cơ sở chỉ bằng 44% so với lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp.
Nhưng cũng có một vấn đề khác cần lưu ý là đối tượng hưởng lương hiện nay quá lớn mà biện pháp để xử lý vấn đề tăng lương nếu chỉ trông chờ ngân sách chắc chắn không được như mong đợi. Vậy nên, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Nội vụ phải chủ trì, phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm để từng bước xóa bỏ hiện tượng: Lách luật giảm biên chế, tăng hợp đồng; chưa giảm đội ngũ công chức có tiền lương cao, lại làm việc kém hiệu quả và sắp xếp bộ máy hành chính đang rất cồng kềnh hiện nay. Đây vừa là tiền đề, động lực cho mỗi đơn vị vận dụng, đổi mới tự vươn lên và cũng là một biện pháp quan trọng để tạo cơ sở cho việc giải quyết bài toán cải cách tiền lương đặt trong bối cảnh ngân sách còn rất hạn hẹp như hiện nay.
Theo Hà Phong/HNM
Bình luận