Thứ sáu, 10/01/2025, 15:01 [GMT+7]

Từ vụ dùng sim Viettel trộm cắp cước viễn thông: Nhà mạng chưa quản lý tốt sim trả trước

Thứ sáu, 05/04/2013 - 07:46'
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an phá vụ trộm cước viễn thông quốc tế chiều về Việt Nam trên địa bàn Hà Nội. Các đối tượng trộm cước này đã sở hữu một lượng lớn sim di động trả trước và trả sau của nhà mạng Viettel. Vụ việc một lần nữa lại đặt ra vấn đề về quản lý sim của các nhà mạng…

Quản lý sim trả trước vẫn là bài toán khó với các nhà mạng.	Ảnh: Minh Hải

Quản lý sim trả trước vẫn là bài toán khó với các nhà mạng. Ảnh: Minh Hải.

Ngày 12-1-2013, cơ quan điều tra đã phát hiện hai đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc lắp đặt hệ thống thiết bị trộm cắp cước viễn thông quốc tế tại hai địa điểm là phòng 310, nhà N6B, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và nhà số 19, ngõ 98/1 phố Vũ Trọng Phụng. Hai đối tượng này thuê đường truyền internet cáp quang cao tốc rồi sử dụng sim di động kết nối vào các mạng viễn thông để chuyển trái phép lưu lượng quốc tế chiều về Việt Nam, hoạt động liên tục 24/24h. Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tang vật, trong đó có 6.700 sim trả trước, 4.500 bộ kít còn nguyên sim và 550 sim trả sau của Viettel. Đáng chú ý, trong số này có tới 550 sim di động trả sau Viettel được sử dụng để trộm cước viễn thông. 

Vụ việc đặt ra câu hỏi, Viettel có vi phạm khi cho khách hàng đứng tên thuê bao trả sau với số lượng lớn như vậy? Đại diện Viettel cho biết, số sim này được cấp cho một tổ chức, cụ thể là dựa theo hợp đồng giữa Công ty Viễn thông Viettel và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viễn thông Văn Long do Nguyễn Văn Long làm Giám đốc, được ký từ tháng 8-2012. Đại diện Viettel lý giải, hiện nay các văn bản chỉ quy định mỗi thuê bao được sở hữu 3 sim di động/mỗi mạng và chưa có văn bản nào quy định về việc giới hạn số lượng sim thuê bao di động trả sau được phép cấp phát cho mỗi cá nhân, tổ chức. Đồng thời, Viettel khẳng định trong vụ việc trên, đã thực hiện nghiêm túc các quy trình trong cấp phát sim thuê bao di động theo đúng quy định của pháp luật và Bộ TT-TT. 

Với các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp cước viễn thông sẽ bị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra và có biện pháp xử lý đích đáng. Trường hợp cá nhân Giám đốc Nguyễn Văn Long (đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) và công ty của vị này có các vi phạm pháp luật và mức độ như thế nào cũng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Song vụ việc này cho thấy, việc quản lý sim di động của mạng Viettel nói riêng và các nhà mạng di động tại Việt Nam có vấn đề. Mặc dù chưa có văn bản nào quy định khách hàng trả sau được đứng tên bao nhiêu thuê bao, song với lô sim trả trước (6.700 sim đã sử dụng và 4.500 bộ kít còn nguyên sim) nêu trên đã phản ánh rõ các nhà mạng chưa làm tốt khâu yêu cầu khách hàng đăng ký thông tin thuê bao trả trước trước khi kích hoạt.

Theo Châu Anh (HNM)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...