Thứ sáu, 10/01/2025, 19:30 [GMT+7]

Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Đến hồi cạnh tranh gay gắt

Thứ sáu, 03/05/2013 - 08:14'
Thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - BH (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2012 doanh thu phí BH nhân thọ đạt 18.191 tỷ đồng, tăng 13,71% so với năm trước.

Đây là kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh tốc độ tăng doanh thu của toàn ngành BH giảm do kinh tế khó khăn. Sự có mặt của 15 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ tại thị trường Việt Nam cho thấy tiềm năng của thị trường còn rất lớn. 

Những số liệu trên cho thấy, mặc dù nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng tới doanh thu của toàn ngành BH, song khối DNBH nhân thọ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Cùng với lễ ra mắt của Công ty BH nhân thọ PVI-Sunlife vào tháng 3-2013, dự kiến sẽ có thêm nhiều tập đoàn tài chính sẽ tham gia thị trường này. 

Một nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2013 sẽ có thêm 2 DNBH nhân thọ mới tại thị trường Việt Nam. Trong đó, có một công ty BH 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Tài chính ngân hàng Australia và Công ty liên doanh BH nhân thọ của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Đại diện BIC cho biết, đơn vị đang đàm phán với một vài đối tác tiềm năng để hợp tác thành lập liên doanh BH nhân thọ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 của BIC. Thông tin ban đầu cho biết, BIC đã lựa chọn được đối tác là một tập đoàn BH hàng đầu thế giới và đối tác này không đến từ Châu Á.

Tại thị trường BH nhân thọ hiện nay, Công ty BH Prudential Việt Nam và Bảo Việt nhân thọ là hai DN dẫn đầu thị trường về doanh thu phí BH. Công ty Manulife Việt Nam chiếm vị trí thứ 3. Trong tương lai gần, vị trí dẫn đầu thị trường của Prudential Việt Nam về tổng doanh thu khai thác phí BH vẫn khá vững chắc dù các DNBH ở vị trí thứ 2 và thứ 3 đã có nhiều nỗ lực để cải thiện vị trí. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ diễn ra trong nhóm các DNBH thuộc nhóm kế tiếp gồm: Dai-ichi Life Việt Nam, AIA Việt Nam, ACE Life. Với những DNBH quy mô nhỏ, hầu hết đều có tham vọng vươn lên những vị trí cao hơn trên thị trường, song trên thực tế để đạt được 5% thị phần doanh thu trong thời điểm hiện nay không dễ dàng bởi cơ hội tăng trưởng "nóng" như giai đoạn trước hầu như không có cơ hội xảy ra. 

Sự góp mặt của nhiều tập đoàn tài chính đến từ các châu lục lớn trên thế giới tại Việt Nam đã chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường BH nói chung và nghiệp vụ BH nhân thọ nói riêng. Theo kết quả kinh doanh do Prudential Việt Nam vừa công bố đầu tháng 4-2013, năm 2012, đơn vị đạt doanh thu phí khai thác mới 1.471 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí tăng 9%, đạt 6.592 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng doanh thu phí toàn ngành BH nhân thọ, dẫn đầu thị trường về cả thị phần doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí BH. Những kết quả mà Prudential Việt Nam đạt được là mơ ước của các DNBH nhân thọ. Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, thị trường này không còn tăng trưởng "nóng", song Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn tài chính BH. 

Báo cáo chỉ số lạc quan về đầu tư do Tập đoàn Manulife thực hiện tại Châu Á cho thấy, tại các thị trường phát triển ở Châu Á, nhà đầu tư đang nắm giữ phần lớn tài sản dưới dạng tiền mặt. Dưới góc nhìn của các tập đoàn tài chính, nguồn tiền mặt dồi dào chính là tiềm năng chưa được khai thác. Con số này khó có thể tìm thấy ở thị trường Châu Âu hay những nước đã phát triển. Đại diện Manulife khu vực Châu Á cho rằng, xét ở góc độ đầu tư, không nơi nào hấp dẫn hơn khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là nơi có nhiều cơ hội để mọi người có thể đầu tư và đạt mục tiêu của riêng mình. 

Trước sự có mặt 15 DNBH nhân thọ trên thị trường và sẽ còn nhiều "chiến binh" mới xuất hiện, lãnh đạo nhiều DNBH cho rằng, cạnh tranh là điều tất yếu sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc cạnh tranh lành mạnh cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng vì họ sẽ có thêm lựa chọn về sản phẩm và giá cả. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các DN là phải làm thế nào để khách hàng cảm nhận được sự có mặt của các DNBH trên thị trường là mang lại những giải pháp tài chính hữu hiệu nhằm bảo vệ họ và gia đình chứ không phải vì mục đích bán sản phẩm và tăng lợi nhuận.

Theo Hương Ly (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...