Thang máy thương hiệu Việt: Cần có chính sách hỗ trợ
Trước sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam, thị trường cho thang máy được phát triển khá mạnh, liên tục từ năm 2000 đến nay, với mức tăng trưởng dao động 10-20% mỗi năm. Dự báo nhu cầu sử dụng thang máy sẽ tăng lên khi các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều theo sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Cùng với việc cung cấp và lắp đặt các hệ thống thang máy ngoại nhập, các công ty thang máy trong nước đã, đang tích cực nghiên cứu để có thể tự thiết kế và sản xuất được các cấu kiện trong thang máy. Theo Bộ Công thương, đến nay các công ty thang máy "nội" đã sản xuất được 70% thiết bị chính. Với sự bùng nổ của thị trường BĐS trong năm 2007-2008, có lúc thang máy "ngoại" vượt trội thang máy "nội". Tuy nhiên, trong một phân khúc nhất định đang ngày càng mở rộng, thang máy sản xuất "nội" có các cơ hội mở rộng thị phần hơn thang máy "ngoại".
Hiện, có nhiều doanh nghiệp (DN) đã xây dựng được thương hiệu, có hệ thống quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, có đội ngũ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn, đáp ứng tốt các nhu cầu di chuyển theo từng công năng chuyên biệt của các cao ốc dân cư, cao ốc thương mại, nhà hàng, khách sạn, nhà máy và cả sử dụng trong gia đình… Giá lắp đặt và bảo hành của thang máy sản xuất trong nước chỉ bằng 65-70% giá trung bình của thang máy nhập khẩu với chất lượng vận hành ổn định và an toàn không khác biệt. Bên cạnh đó, những công ty thang máy có uy tín trong nước đều có mạng lưới dịch vụ bảo hành sửa chữa bao phủ rộng, bố trí đều tại các tỉnh, thành phố nên đáp ứng nhanh việc khắc phục khi thang hư hỏng và có sẵn phụ tùng thay thế, rất chủ động với giá hợp lý. Nhờ đó, sản phẩm thang máy đã được nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước chấp nhận, góp phần không nhỏ giảm nhập khẩu. Chẳng hạn như thang máy Thiên Nam, là một trong những công ty sản xuất thang máy đầu tiên (được thành lập từ năm 1994) đang là đơn vị dẫn đầu trong ngành thang máy trong nước, với mức tăng trưởng hằng năm đạt 15-20%. Thiên Nam hợp đồng sản xuất cung cấp ra thị trường thang trong nước 800 thang máy mỗi năm, trong đó hầu hết là các chung cư, cao ốc thương mại 15-22 tầng như Phú Mỹ Thuận, Khang Gia, Thái Sơn, E.Home, Thủ Thiêm Star 1… và nhiều công trình chung cư khác tại TP Hồ Chí Minh; các chung cư Nại Hiên Đông, Phong Bắc, Đại Địa Bảo… (Đà Nẵng); các chung cư 9T1 Xuân Mai, Kiến Hưng… (Hà Nội), vẫn đang hoạt động tốt. Ngoài các thang máy tải khách được xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Thiên Nam còn gia công xuất khẩu được một số thang máy tải hàng, tải xe hơi cho một số công ty thang máy của Nhật. Thiên Nam cũng là đơn vị dẫn đầu về dịch vụ hậu mãi trong ngành với hơn 4.500 thang máy đang được bảo trì và bảo hành.
Tuy nhiên, trong số gần 3.500 thang máy hiệu Thiên Nam đã cung cấp cho các công trình, số lượng cung cấp cho các công trình đầu tư từ vốn ngân sách là rất ít. Mặc dù giá bán cùng loại, chất lượng tương đương, chỉ bằng 70-80% giá bán thang máy nhập khẩu nhưng các công trình đầu tư từ vốn ngân sách lại ít sử dụng thang máy "nội". Nhiều DN sản xuất thang máy có thương hiệu cho biết, có một thực trạng đáng buồn là hầu hết các hồ sơ gọi thầu cung cấp thang máy cho các công trình vốn ngân sách, như trụ sở Cục Hải quan Khánh Hòa, trụ sở Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt (Cần Thơ)… thậm chí, trụ sở cấp huyện có 2 tầng, đều đặt yêu cầu thang máy phải được nhập khẩu 100%, có hồ sơ yêu cầu từ các nước G7 hoặc thang máy phải có thương hiệu quốc tế, được sản xuất ở các nước ASEAN. Điều đó khiến cho ngành thang máy trong nước không có cơ hội tiếp cận với những công trình vốn ngân sách nhà nước, trong khi những DN uy tín hoàn toàn có khả năng đáp ứng tốt. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ hướng người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước mà còn khuyến khích các DN ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau để góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh. Bộ Công thương cũng đã lập danh sách các loại hàng hóa trong nước sản xuất được để kêu gọi, khuyến khích các DN sử dụng làm "đầu vào" của nhau. Đó là chưa kể đến việc trực tiếp góp phần giảm nhập siêu, gia tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động kỹ thuật, tăng cường xuất khẩu thiết bị, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển… Vì vậy, các ngành chức năng cần có những quy định hợp lý, ưu tiên cho sử dụng hàng nội nếu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn an toàn sử dụng cho các công trình loại này.
Thang máy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, có liên quan đến tính mạng con người, vì vậy cần được cơ quan chức năng giám sát quản lý chặt chẽ. Gần đây, có hàng trăm DN thang máy được thành lập, trong số đó, đa phần công ty chỉ có vài người, họ đặt gia công tại các cơ sở gia công, thuê lắp đặt và cho vận hành một cách đơn giản, bỏ qua các khâu kiểm soát từ thiết kế đến thử nghiệm, gây những ẩn họa khôn lường cho người sử dụng. Được biết, Thông tư 22/2012-BLĐ-TB&XH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành yêu cầu tất cả các thang máy phải được cấp dấu hợp quy mới được đưa vào lắp đặt, sử dụng. Việc triển khai thông tư đang chờ hình thành các tổ chức chứng nhận hợp quy. Nếu Thông tư 22/2012 được thực hiện nghiêm túc sẽ là cơ sở cho các DN sản xuất thang máy trong nước nâng cao chất lượng an toàn của sản phẩm.
Theo Thanh Hiền (HNM)
Bình luận