Thứ tư, 15/01/2025, 19:49 [GMT+7]

Thu kinh phí công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Đôi điều trăn trở

Thứ sáu, 08/11/2019 - 16:07'
Tài chính công đoàn là điều kiện, nguồn lực, công cụ phục vụ đắc lực cho các hoạt động của tổ chức công đoàn, là điều kiện đảm bảo cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động (NLĐ), góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Nhưng trên địa bàn tỉnh, tình trạng thất thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) ở các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước hiện đang ở mức cao.

Chăm lo cho người lao động

Để hiểu rõ hơn về việc sử dụng KPCĐ, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ tỉnh) - Đồng Thị Nghĩa. Được biết, theo Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ, ngày 21/1/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới, nguồn thu KPCĐ được phân phối cho các cấp công đoàn năm 2019 theo tỷ lệ: cấp lại cho công đoàn cơ sở 69%; Tổng Liên đoàn, LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành 31%. Kinh phí sau khi được phân phối, các cấp công đoàn sử dụng cho hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ; tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn chính sách pháp luật, thành lập công đoàn; tổ chức các phong trào thi đua, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, thăm hỏi ốm đau, trả lương và phụ cấp cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công đoàn các cấp, duy trì các hoạt động của tổ chức công đoàn… Đối với những đơn vị, DN chưa có tổ chức công đoàn thì phần KPCĐ được cấp trả lại sẽ do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (LĐLĐ huyện, thành phố) quản lý và chi cho các hoạt động phong trào, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thăm hỏi NLĐ tại DN khi ốm đau, tai nạn, chi hỗ trợ quà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng NLĐ tiêu biểu nhân dịp “Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy” và các hoạt động lớn của công đoàn.

Công ty TNHH Tiến Thành là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tiến Thành bảo dưỡng xe cho khách hàng.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có một số DN thực hiện tốt việc đóng KPCĐ, tiêu biểu như: Công ty TNHH số 10 Lai Châu, Công ty Cổ phần Bê-tông, Công ty TNHH Thùy Linh, Công ty TNHH Một thành viên Thanh Tuyền, Công ty TNHH Tiến Thành...

Theo lời giới thiệu của LĐLĐ tỉnh, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Tiến Thành (thành phố Lai Châu). Ông Vũ Đình Tuấn - Giám đốc công ty chia sẻ: Đơn vị hiện có 16 công nhân lao động. Xác định trích nộp KPCĐ là trách nhiệm và nghĩa vụ cần thiết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ nên công ty luôn nghiêm túc thực hiện. Nhân các dịp lễ, tết, công ty đều tổ chức liên hoan, tặng quà, thưởng... cho công nhân, lao động. Từ quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ mang lại nhiều lợi ích cho DN, bởi anh em gắn bó lâu dài với công ty, năng suất, hiệu quả công việc nâng lên, đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận DN tăng.

Kết quả thu đạt thấp

Với nhiều ý nghĩa liên quan trực tiếp tới chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ nhưng trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện thu KPCĐ ở khu vực DN ngoài Nhà nước chưa có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thu hằng năm đạt thấp, tỷ lệ thất thu còn ở mức cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Thiện - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Từ khi Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn có hiệu lực, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp cho công tác thu KPCĐ. Kết quả thu hằng năm đối với cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cơ bản đạt dự toán Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, tuy nhiên, khối DN ngoài Nhà nước không đạt kế hoạch.

Tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 417 DN, hợp tác xã (HTX) đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ; trong đó, 71 DN có tổ chức công đoàn, 346/417 DN, HTX có đóng BHXH cho NLĐ nhưng chưa có tổ chức công đoàn. Nguyên nhân là do các DN, HTX có số lao động ít (từ 3 - 5 lao động), quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ, không thường xuyên. Từ năm 2014 - 2018, kết quả thu KPCĐ các DN có tổ chức công đoàn là trên 5,8 tỷ đồng, đạt 98% so với số KPCĐ các doanh nghiệp, HTX phải đóng theo quy định; trong đó, thu khối DN Nhà nước gần 4,8 tỷ đồng, khối ngoài Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Thu KPCĐ các DN ngoài Nhà nước đã đóng BHXH cho NLĐ nhưng chưa có tổ chức công đoàn được trên 850 triệu đồng, đạt 59,16% so với KPCĐ các DN phải đóng theo quy định.

Giải pháp nào?

Thực tế cho thấy, một số DN mặc dù đã được các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động, đôn đốc nhiều lần nhưng trốn tránh trách nhiệm, nộp chậm hoặc nộp không đủ theo quy định. Nguyên nhân mấu chốt được xác định là do các DN quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, sản xuất, kinh doanh không ổn định; thậm chí có DN chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất, kinh doanh không rõ ràng nên tổ chức công đoàn, cán bộ thuế gặp khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động, đôn đốc trích nộp KPCĐ gắn với phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, đóng BHXH cho NLĐ. Nhiều DN ý thức chấp hành Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn chưa tốt. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách ở các huyện, thành phố mỏng (chỉ có 2 - 3 cán bộ), công tác phối hợp với cán bộ thuế, cán bộ cơ quan BHXH tại đơn vị có nơi chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc của các cấp công đoàn có mặt hạn chế, chưa sâu sát DN.

Trao đổi về giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc thu KPCĐ trong các DN ngoài Nhà nước, góp phần tập hợp NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn; chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho NLĐ, đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: Các cấp công đoàn trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động để DN hiểu, chấp hành tốt hơn quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn; gắn tuyên truyền công tác thu KPCĐ với đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, việc đóng BHXH cho NLĐ. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Đồng thời, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan mở các hội nghị tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho DN, nhất là chủ DN; tăng cường kiểm tra, đôn đốc DN trong thực hiện pháp luật thuế, Luật BHXH, Luật Lao động; trích nộp KPCĐ theo quy định; phát hiện, xử lý nghiêm các DN vi phạm. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ chính sách cho NLĐ. Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp, nhất là kỹ năng tuyên truyền, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tài chính kế toán theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thảo Chi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...