Thứ ba, 14/01/2025, 01:12 [GMT+7]

Thu phí, vì đâu nên nỗi?

Thứ ba, 06/09/2016 - 09:35'
Có lẽ chưa bao giờ việc thu phí giao thông ở các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ lại ở trong tình trạng căng thẳng như hiện nay. Đã có nhiều vụ người dân phong tỏa các trạm thu phí để bày tỏ sự bức xúc.

Thu phí phương tiện lưu thông tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Chiều 5-8, trạm thu phí BOT Thiên Tân đoạn qua xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) bị người dân chặn phương tiện trong hơn hai giờ đồng hồ khiến con đường huyết mạch quốc lộ 1A bị tê liệt ùn ứ hàng chục cây số. Trùng thời điểm đó, ngày 7-8, người dân khu vực thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) phong tỏa trạm thu phí Xuân Mai khiến quốc lộ 6 đi Tây Bắc kẹt cứng phương tiện, ùn tắc trong nhiều giờ. Đáng lưu ý, sau gần một năm trạm thu phí Xuân Mai của công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình đi vào vận hành, không chỉ một lần người dân thị trấn Lương Sơn chặn, dừng phương tiện để phản đối, gây thiệt hại nhiều mặt. Dẫn chứng hai trường hợp gần nhất để thấy những mâu thuẫn giữa trạm thu phí BOT với người dân tham gia giao thông đã ở mức đáng báo động và chuyện thu phí thật sự là bài toán khó giải. Vì đâu nên nỗi?

Trở lại thời điểm năm 2012 khi có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ vào đầu phương tiện, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tuyên bố sẽ xóa bỏ các trạm thu phí do Nhà nước đầu tư xây dựng. Dĩ nhiên chủ trương này gây bão dư luận, nhưng rút cục vẫn được người dân ủng hộ bởi tính khả thi của nó. Trên thực tế các trạm thu phí dù với mức thu do Nhà nước quy định không phải quá cao, nhưng nó gây trở ngại cho việc lưu thông thậm chí gây ùn tắc ở những thời điểm có quá nhiều phương tiện tham gia giao thông. Và chi phí vận tải tăng cao cũng một phần ở chính những trạm thu phí này. Người dân chấp nhận đóng phí bảo trì đường bộ để xóa bỏ nó là điều không có gì lạ. Tuy nhiên, với những trạm BOT thì việc thu phí là đương nhiên không thể bàn cãi. Ai cũng biết BOT là một hình thức hiệu quả đối với một đất nước đang còn nghèo như nước ta (Chính phủ kêu gọi các công ty đầu tư làm đường giao thông và được hạn định thời gian khai thác vận hành thu phí hoàn vốn cộng sinh lời sau đó chuyển giao lại cho Nhà nước). Trước thời điểm thu phí bảo trì đường bộ (1-1-2013) trên hệ thống quốc lộ có 57 trạm thu phí, trong đó có 23 trạm thu phí Nhà nước quản lý. Khi tiến hành thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã xóa 19 trạm thu phí Nhà nước và thanh lý một trạm BOT hết hiệu lực khai thác. Số trạm thu phí còn lại đa phần là trạm BOT được phân bố đều với khoảng cách hợp lý nên hầu như không gây khó khăn cho vận hành giao thông và bức xúc xã hội. Những tưởng bức tranh giao thông sẽ hài hòa, êm ả. Nhưng không, từ đây, nan giải của câu chuyện thu phí mới thật sự bắt đầu.

Điều vô lý ấy là có thật. Bởi từ đây chủ trương BOT nhiều tuyến quốc lộ được thực hiện ồ ạt. Xóa bỏ được 19 trạm thu phí Nhà nước nhưng trạm BOT lại mọc lên như nấm. Vẫn biết hệ thống quốc lộ của nước ta cũ kỹ và quá tải. Càng biết nhu cầu vận tải ngày một tăng và đời sống hiện đại với những phương tiện hiện đại đòi hỏi đường sá phải tốt mới đáp ứng được tốc độ của phương tiện và rút ngắn, tiết kiệm được thời gian tham gia giao thông. Vậy những con đường mới, những quốc lộ được cải tạo cũng là điều tất yếu. Trong khi ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng thì việc xã hội hóa càng là phương cách tối ưu. Nghĩa là giải pháp BOT làm mới và mở rộng sửa chữa các tuyến quốc lộ là điều bắt buộc. Nhưng liệu có nhất thiết phải cấp tập triển khai BOT nhanh và nhiều đến thế không? Câu trả lời là cần. Càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng lợi cho dân. Vậy thì tại sao người tham gia giao thông lại mâu thuẫn với chính những trạm thu phí BOT?

với cách chỉ định thầu hoặc đấu thầu lấy lệ như hiện nay cộng sự quản lý yếu kém của cơ quan quản lý, sự mập mờ thiếu minh bạch là hoàn toàn có thể.

Để trả lời được câu hỏi này cũng như giải đáp được “vì đâu nên nỗi” cần những dẫn chứng. Người dân chặn, phong tỏa trạm thu phí Xuân Mai có chung bức xúc là đoạn quốc lộ 6 vốn là quyền sở hữu của toàn dân. Thế nhưng chủ đầu tư BOT đoạn đường này chỉ thảm nhựa, sửa sang một số hạng mục nâng cấp con đường, không hề mở rộng đường nhưng lại có quyền sở hữu toàn bộ con đường. Những người dân quanh khu vực thu phí bỗng dưng phải chịu phí của sự đi lại ngay trên địa bàn của mình với một mức giá khó chịu đựng nổi. Nguyên nhân là vậy. Người dân có quyền đòi hỏi sự công bằng ở chỗ này. Nếu đây là con đường nhà đầu tư bỏ tiền làm mới hoàn toàn thì họ chấp nhận, còn lấy quốc lộ là tài sản nhà nước do toàn dân sở hữu làm tài sản của mình, thu phí trong một chế tài người dân không nắm rõ, thì rõ ràng cái sự chặn dừng phương tiện kia của họ cũng là điều không có gì lạ. Nguyên nhân xác định ban đầu ở sự kiện chặn dừng phương tiện ở trạm thu phí BOT Thiên Tân (Quảng Ngãi) là do người dân bức xúc sự đền bù khi giải tỏa đất đai làm đường chưa thỏa đáng và khiếu kiện không được giải quyết. Nhưng lý do chính là trạm BOT này gây rất nhiều khó khăn cho các phương tiện của người dân chung quanh trong việc đi lại tốn kém bất hợp lý.

Có không ít những con đường được cải tạo theo phương thức BOT giống như đoạn quốc lộ 6 ở khu vực Xuân Mai. Đoạn quốc lộ 1 Hà Nội - Bắc Giang được cải tạo nâng cấp không hề đầu tư mở rộng, thậm chí còn được biến thành cao tốc. Ngay khi được đưa vào vận hành với mức thu phí cao đã khiến dư luận và người tham gia giao thông bức xúc phản ứng. Nhiều phương tiện vận tải phản ứng bằng cách chọn đi vòng né phí. Đoạn quốc lộ cải tạo mới này có 45,8 km nhưng lại có đến 28 điểm mở dân sinh trong đó có điểm mở ở đê Phù Đổng đoạn đầu Hà Nội, biến nơi đây mở ra một con đường tránh phí. Chẳng những thất thu phí mà còn gây hỗn loạn giao thông cùng bức xúc cho người dân sở tại. Không thể không nhắc đến nhà đầu tư BOT đoạn quốc lộ tai tiếng Pháp Vân - Cầu Giẽ trên quốc lộ 1B. Vẫn theo cách thức tương tự trải thảm nhựa mới, làm lại dải phân cách, thay cây và thu phí tương đương làm đường mới. Chưa hết, trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ còn gian dối trong con số thu phí hằng ngày khiến dư luận bất bình để rồi một câu hỏi được đặt ra liệu có một “liên minh quyền lực” băm quốc lộ để thu phí hưởng lợi hay không? Câu trả lời có thể là có hoặc không nhưng sự mất mát niềm tin với những người có trách nhiệm là không hề nhỏ. Và đây mới là những mất mát đau xót nhất.

Còn nữa, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xây dựng hiện đại đưa vào hoạt động nhưng do phí đắt đỏ nên một số xe chọn tiết kiệm chi phí bằng cách đi theo quốc lộ 5 cũ. Thế nhưng Bộ GTVT lại làm một chuyện trái lẽ là nâng phí quốc lộ 5 lên mức cao hơn. Dư luận cho rằng, nhà quản lý làm một việc chống lưng cho nhà đầu tư, không đứng về quyền lợi của người tham gia giao thông.

Hiện tại con số trạm thu phí trên quốc lộ và cao tốc trên cả nước đã lên tới hàng trăm và sẽ còn tiếp tục tăng. Trong các hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường là yếu tố quyết định mức phí và thời gian thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên với các yếu tố trên cần có một chế tài kiểm soát chặt chẽ. Có thể nói ngay rằng với cách chỉ định thầu hoặc đấu thầu lấy lệ như hiện nay cộng sự quản lý yếu kém của cơ quan quản lý, sự mập mờ thiếu minh bạch là hoàn toàn có thể. Và phản ứng của người dân tất nhiên không phải chuyện gì quá khó hiểu. Để giải quyết thiết nghĩ không khó. Cần giải tỏa bức xúc của người dân chặn dừng phương tiện ở các điểm thu phí họ sinh sống bằng cách kiểm soát, hạ mức phí hoặc miễn giảm cho những phương tiện di chuyển gần trên phạm vi quốc lộ. Và nữa các dự án BOT cần được tổ chức nghiêm ngặt từ đấu thầu đến việc giải tỏa, đền bù, thi công, mức phí cũng như việc giám sát thu hồi vốn để có hạn định khai thác phù hợp. Làm được thế khi quyền lợi được bảo đảm thỏa đáng liệu có còn cảnh người dân bức xúc nữa hay không? Tôi tin là không. Tất nhiên với một điều kiện là sự minh bạch, công tâm không vụ lợi của những hệ thống quyền lực quyết định các dự án BOT. Điều này e rằng đã là một sự khó khăn không nhỏ.

Theo Phạm Ngọc Tiến/nhandan/Thứ Ba, 30/08/2016, 13:19:27

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...