Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: Thành công nhờ “tay trái”
Xuất phát điểm của ông không phải là ngành giáo dục. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1969, sau khi tốt nghiệp Trường Năng lượng Leningrat (Liên Xô cũ), Nguyễn Mạnh Hùng về công tác tại Tổng Công ty Xuất khẩu máy của Bộ Ngoại thương. Không như nhiều người khác miệt mài học hành lúc trẻ để có được một công việc tốt rồi thôi, Nguyễn Mạnh Hùng vừa làm việc, vừa sắp xếp thời gian để học tiếp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội rồi bảo vệ luận án Phó Tiến sỹ khoa học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trải qua nhiều chức vụ, bằng năng lực của mình, năm 2005, ông giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may Sài Gòn. Và cũng năm này ông được giao thêm trọng trách "trái tay" là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (nay là Đại học Nguyễn Tất Thành - trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam).
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.
"Vợ và con tôi đều theo nghề giáo, nên tôi đến với giáo dục cũng là cái duyên. Khi sang lĩnh vực này, là doanh nhân, tôi nhận ra những khiếm khuyết trong việc đào tạo nhân lực, của hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường, viện. Đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học chưa gắn kết được với nhu cầu của doanh nghiệp. Vì thế, tôi muốn xâu chuỗi các khâu lại, với mục tiêu đào tạo ra những người lao động có trình độ, có ý thức tự chủ, sáng tạo, có kỹ năng tự học, tự nắm bắt và giải quyết những thách thức, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng", TS Hùng tâm sự. Từ đó, ông đã tiên phong áp dụng triết lý đào tạo: "Thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp". Ông cũng đặt ra nhiệm vụ chính mình và nhà trường phải bảo đảm được việc gắn kết tốt "4 nhà": Doanh nghiệp, nghiên cứu, quản lý và nhà trường; bảo đảm "4 lợi ích" của người học, người dạy, của nhà trường và xã hội.
Để thực hiện những điều đó, ông đã "trải thảm đỏ" cùng những chính sách hấp dẫn để thu hút người tài. Nhà trường còn thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện mô hình quản lý chế độ học theo tín chỉ, không ngừng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo hiện có và phát triển chương trình đào tạo mới; đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giữ vững và nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, chủ động sáng tạo trong hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu có chọn lọc những ưu điểm của đối tác đến từ các nước có nền giáo dục tiên tiến. Song song đó, trường còn đẩy mạnh đầu tư lập nên 5 cơ sở đào tạo đầy đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, phấn đấu đến năm 2015, cơ sở vật chất của nhà trường có thể so sánh được với các trường, viện hàng đầu khu vực Ðông Nam Á. Trường còn thành lập Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT với mục đích nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ tự động hóa, y - dược, sản xuất thử - thử nghiệm chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu, tư vấn thông tin khoa học và công nghệ…
Với tất cả nỗ lực đó, đến nay nhà trường có đội ngũ hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong đó hơn 62% có trình độ thạc sĩ trở lên, còn lại là kỹ sư và cử nhân. Và nếu như năm tuyển sinh đầu tiên của Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (năm 2005) mới tuyển được 500 sinh viên bậc cao đẳng và 350 bậc trung cấp chuyên nghiệp, thì đến nay nhà trường đang đào tạo gần 26.000 sinh viên. Trường còn ký kết với hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các trường đại học trong và ngoài nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Qua khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên, cho thấy 92% có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo; 79% có khả năng sớm đảm nhận công việc tại doanh nghiệp. Đó là một con số mà nhiều địa chỉ đào tạo nhân lực đang mơ ước.
Bởi sự phát triển vượt bậc như vậy, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Còn Hiệu trưởng, TS Nguyễn Mạnh Hùng được tặng nhiều danh hiệu cao quý cả lĩnh vực giáo dục lẫn kinh doanh như Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Doanh nhân TP Hồ Chí Minh tiêu biểu; Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu…
"Tôi đã đến tuổi về hưu, đã trải qua nhiều thăng trầm, cũng được gọi là thành đạt. Khi đến một độ tuổi nào đó, con người có mong muốn "cho đi" nhiều thứ mà họ đã gặt hái được bằng lao động cả đời, đặc biệt muốn trút hết nhiệt huyết cho lớp người trẻ đi sau". Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự khi tạm biệt chúng tôi.
Theo Thanh Thư/HNM
Bình luận