Thứ tư, 15/01/2025, 16:20 [GMT+7]

Tiếng trẻ chơi trong khuôn viên bệnh viện

Thứ sáu, 25/01/2019 - 10:39'
(BLC) - Cuối năm, khi cái rét vội vã tận dụng nốt những ngày còn lại của mình, cố làm bợt đi đôi môi tất tả, bôn ba của những người lao động đang tranh thủ toan tính những áo cơm cho buổi năm cùng, trong cái tư tưởng ấy, người ta chỉ nghĩ tới hoa đào, mâm cỗ tất niên chứ mấy ai ngờ phải vào bệnh viện. Vậy nhưng, khi mận, khi đào chuẩn bị mãn khai, vào cái nơi gom đau góp đớn ấy, chúng tôi lại thấy những tiếng cười, tiếng trẻ nô đùa thay vì tiếng khóc trước đây.

Các cháu thiếu nhi chơi trong khu vui chơi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Những đớn đau vì bệnh tật, cái lạnh lẽo bởi vô trùng cùng những đôi mắt hao gầy, tiếng khóc than và đâu đó là tiếng kêu rin rít của những chiếc bánh cao su ở giường bệnh miết xuống mặt sàn đưa người bệnh từ phòng này sang phòng khác… như tấm bình phong lâu nay vẫn ngăn cản mùa xuân. Nhưng ấy là chuyện của năm nao, của nơi nào đó…

Bệnh viện, đó hẳn là nơi chẳng ai muốn gặp nhau. Giải thích nữa thành thừa bởi lâu nay, đó vốn là nơi hội tụ của đớn đau và lo lắng. Người lớn đã vậy, trẻ con lại càng căng thẳng hơn. Chả thế mà bấy đến giờ, “bác sỹ”, “bệnh viện”, “tiêm”… là những từ thường được người ta dùng để dọa trẻ con. Và nó rất hiệu quả. Một bệnh viện mà ở đó bệnh nhân nói chung và bệnh nhi nói riêng không chỉ được chữa bệnh mà còn được vui chơi để tinh thần thoải mái, nụ cười thay cho tiếng khóc than là nguyện vọng của rất nhiều bệnh nhân và cũng là nỗi đau đáu của những “từ mẫu” nơi Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Còn nhớ, cách đây hai năm, khi viết bài phản ánh về nguyện vọng này, chúng tôi đã gặp những ánh mắt như ngời lên của các bệnh nhi khi nói về một khu vui chơi ngay trong khuôn viên bệnh viện, rồi đôi bàn tay cứ vò lên trán của một cán bộ bệnh viện khi lực bất tòng tâm trước nguyện vọng của bệnh nhi. Thiếu tiền, thiếu không gian và thiếu nhiều thứ khác khiến cho ai cũng biết nhưng chẳng ai có thể hiện thực hóa những mong muốn kia, để rồi ánh mắt của những lương y tận tâm lại quặn đi khi nhìn thấy cảnh những cháu bé cứ chằn ra, ngằn ngặt khóc khi mới vào đến cổng viện dù cơn đau của các cháu đã chẳng thể cầm.

Nay đã khác!

Cái khác ấy chẳng khó tìm ra khi ngay từ những bước đầu tiên vào Khoa khám bệnh. Một không gian khác hoàn toàn, những con người vẫn vẹn nguyên nét mặt nhưng cung cách mà họ tiếp cận bệnh nhân cũng khác chứ không chỉ là trang phục đổi thay. Và hay hơn nữa, ngay tại sảnh tầng hai của khu khám bệnh là một gian vui chơi dành cho bệnh nhi trong bệnh viện. Hẳn nhiên là vẫn có tiếng khóc của trẻ nhưng bên cạnh đó lại văng vẳng tiếng cười, tiếng trẻ chơi và kèm vào đó là những đường mặt giãn ra của người nhà bệnh nhi.

Cháu Nguyễn Thảo My ở tổ 5 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) chẳng may bị ho, lại phải vào bệnh viện. Mẹ cháu là chị Đinh Thị Chuyên kể: “Cháu sợ bác sỹ lắm, cứ nhìn thấy ai mặc áo blue là khóc. Nhưng hôm nay thì không”. Khi chúng tôi gặp mẹ con chị Chuyên là khi cháu Thảo My đang cùng mấy bạn nhỏ khác nô đùa trong khu vui chơi của Bệnh viện. Gọi là khu vui chơi nhưng nơi đây chỉ vỏn vẹn trong cái không gian chỉ khoảng 40m2 và số lượng đồ chơi cũng còn tương đối khiêm tốn. Một bộ cầu trượt loại lắp ghép mini, mấy con ngựa gỗ, vài quả bóng, một tấm pano in hình ngộ nghĩnh là tất cả những gì khu vui chơi này có. Ít là thế, thiếu như vậy nhưng hiệu quả của nó thật bất ngờ. Chị Chuyên khẳng định: Tuy ốm nhưng được ra chơi tôi thấy cháu vẫn cười, vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn, có cảm giác như cháu khỏe hơn lên…

Nếu như Thảo My vốn đã được tiếp xúc nhiều với những loại đồ chơi ở đây thì với cháu Vàng Văn Ban ở bản Bãi Trâu (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) thì đã 10 tuổi nhưng chẳng mấy khi em được gặp, được chơi những thứ đồ chơi như thế này khi ở bản. Bởi vậy, tuy nằm điều trị trong Khoa nhi nhưng sau giờ tiêm, giờ cấp thuốc là em lại dắt tay mẹ ra khu vui chơi để chơi đùa cho thỏa thích. Và nhìn cái cách em say sưa với những đồ chơi ở đây, chúng tôi đồ rằng nằm viện lại là một cơ may để em được lấp đầy những khoảng trống tuổi thơ mà ở bản em chưa bao giờ có được.

Quan sát tại khu vui chơi, không chỉ cháu My, cháu Ban mà hầu hết các bệnh nhân nhi phải vào viện khám, chữa bệnh đều tranh thủ ghé chơi tại đây. Tiếng cười, tiếng đùa, người lạ, người quen như xua đi cái giá lạnh của mùa đông, làm ấm cả không gian bệnh viện. Từ những nụ cười hồn nhiên, trò chơi con trẻ khiến bậc làm cha, làm mẹ cũng cảm thấy yên tâm, vững tin hơn về tình trạng sức khỏe của các con. Không chỉ thế nhiều y, bác sỹ khi đi qua đây cũng nán lại, lặng nhìn, những bệnh nhân khác chờ tới phiên khám cũng âm thầm quan sát để rồi đôi khi có những nụ cười rất lặng lẽ nhưng rất thật. Dường như không phải sắc thắm hoa đào mà ở đây, chính tiếng trẻ chơi mới đem xuân về với bệnh viện.

Không chỉ góp phần giải tỏa căng thẳng của bệnh nhi, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các y, bác sỹ, khu vui chơi còn được khoa học khẳng định có tác dụng rất lớn đối với khả năng phục hồi của bệnh nhi nói chung. Bác sỹ chuyên khoa II, thầy thuốc ưu tú Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi bệnh nhân được thoải mái, không căng thẳng thì không những hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn mà khả năng đáp ứng thuốc cũng cao hơn. Điều này sẽ giúp bệnh tình thuyên chuyển, bệnh nhân sớm khỏi bệnh. Đó cũng chính là mong muốn của chúng tôi khi xây dựng khu vui chơi bệnh nhi này.

Tuy hiệu quả là vậy nhưng xét một cách công bằng, khu vui chơi bệnh nhi còn quá nhỏ và nghèo thiết bị. Điều này cũng được chị Lê Thị Hoài - cán bộ thuộc Tổ công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), người đầu tiên mang ý tưởng xây dựng khu vui chơi này thừa nhận: Do thiếu kinh phí nên ý tưởng thì có nhưng phải nhờ sự chung tay của các nhà hảo tâm chúng tôi mới xây dựng được khu vui chơi này. Người cho sách, báo, người in tặng tấm phong, có người ủng hộ đồ chơi. Tuy đơn giản nhưng khu vui chơi đã không chỉ nhận được sự ghi nhận của bệnh nhân mà các đoàn khách, các vị lãnh đạo tỉnh vào đây cũng rất thích thú với mô hình. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng khu vui chơi trong khuôn viên bệnh viện và tại Khoa nhi để các cháu có thể chơi ngay tại khoa, đỡ phải đi lại.

Mới chỉ đi vào hoạt động từ Tết Trung thu 2018, nhưng khu vui chơi bệnh nhi đã thu hút được rất nhiều trẻ em đến vui chơi và góp phần rất lớn vào việc giảm căng thẳng, áp lực cho cả bệnh nhân và bác sỹ. Và tết này, khi không may mắn phải nằm viện, hẳn nhiều bệnh nhi sẽ vui, hạnh phúc lắm. Tiếng cười của các con sẽ như cây đũa thần mang xuân về với nơi này.

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...