TP.HCM: Gian nan xử lý mũ bảo hiểm “rởm”
Lực lượng Quản lý thị trường cùng các ban ngành liên quan sẽ vào cuộc truy quét mũ bảo hiểm "rởm" quyết liệt từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8/2013.
Nhằm tránh sự chồng chéo “giẫm chân nhau” trong quá trình thanh kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng chức năng quản lý nhóm mặt hàng mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể: Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng mũ bảo hiểm đối với tổ chức, các nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm.
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường. Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý theo quy định đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không phải là mũ bảo hiểm hoặc sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm nhằm nâng cao nhận thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về mũ bảo hiểm của nhà nước. Các cơ quan quản lý chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa tích cực tham gia cùng các đoàn kiểm tra liên ngành.
Đặc biệt, UBND các quận huyện phối hợp với Chi cục QLTT, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung kiểm soát các đối tượng sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, các đối tượng bán mũ bảo hiểm tại lòng lề đường, trên vỉa hè.
Chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm xử lý các điểm bán mũ bảo hiểm rởm" trên vỉa hè, lòng đường.
Thời gian thực hiện bắt đầu từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8/2013. Ngay sau khi kế hoạch này được ban hành, các đơn vị chức năng được phân công nhiệm vụ khẩn trương lập kế hoạch và triển khai thực hiện. Hàng tháng phải báo cáo kế hoạch thực hiện vào ngày cuối tháng.
Nhằm ngăn chặn tối đa mũ bảo hiểm “rởm” tuồn ra thị trường, thông tư liên tịch 06/2013, quy định rõ ràng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất mũ bảo hiểm phải cung cấp giấy chứng nhận hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm như giấy chứng nhận hợp quy, bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng sau 7 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.
Việc xử lý mũ bảo hiểm “rởm”, mũ thời trang có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm được triển khai khá mạnh từ tháng 3/2013. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, người kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chất lượng vẫn tồn tại. Hàng trăm điểm bán mũ bảo hiểm “rởm” vẫn ngang nhiên bày bán trên các vỉa hè, lòng đường.
Thực tế, nhiều loại mũ bảo hiểm có dán tem CR nhưng là mũ giả hoặc mũ không dành cho người đi mô tô, xe gắn máy vẫn tồn tại. Rất nhiều người tham gia giao thông sử dụng các loại nón nhựa thời trang có kiểu giáng giống mũ bảo hiểm và lơ là đội mũ bảo hiểm cho chính con em mình khi tham gia giao thông.
Những loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm được nhiều người dân sử dụng như mũ bảo hiểm.
Chỉ tính từ đầu tháng 5/2013 đến này, QLTT thành phố đã phát hiện hàng chục vụ buôn bán mũ bảo hiểm không chứng từ, vi phạm không niêm yết giá, mũ nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, vi phạm về quản lý hóa đơn, tạm giữ gần 500 chiếc mũ bảo hiểm Trung Quốc, 1.246 chiếc mũ bảo hiểm thành phẩm…
Một số hình ảnh ghi nhận về tình hình sử dụng mũ thời trang có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm của người dân tại TP.HCM:
Những loại mũ lưỡi trai mang kiểu dáng của mũ bảo hiểm.
Nhiều em nhỏ được người lớn "trang bị" những loại mũ "rởm".
Luôn tiềm ẩn những rủi ro khi các em không được đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Theo Trung Kiên (Dantri)
Bình luận