Triển khai Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Ích nước, lợi người lao động
Giảm áp lực cho ngân sách nhà nước
Việt Nam có khoảng 10,6 triệu người tham gia BHHT bắt buộc. Việc chi trả lương hưu hoàn toàn phụ thuộc vào sự bảo hộ của Nhà nước, nên chính sách lương hưu hiện gắn rất chặt với NSNN và Quỹ BHXH. Việc tăng lương hưu cùng mức với tăng lương tối thiểu chung đã tạo áp lực rất lớn cho NSNN và quỹ BHXH. Áp lực này đã khiến quá trình cải cách tiền lương, cải thiện đời sống cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Mặc dù BHXH luôn là trụ cột quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, song xu hướng chung của thế giới là xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong các trường hợp xảy ra rủi ro kinh tế và rủi ro xã hội.
Trên thực tế, mô hình BHHT tự nguyện đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện song song với BHHT bắt buộc. Tại Mỹ, người về hưu có 3 nguồn thu nhập: Từ nguồn BHHT bắt buộc, tỷ lệ đóng là 12,4% tiền lương chia đều cho mỗi bên (người lao động và người sử dụng lao động mỗi bên đóng 6,2%). Nguồn thứ hai là từ BHHT tự nguyện bổ sung. Đây là hình thức BHHT do DN tổ chức dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên và được đưa vào thỏa ước lao động hoặc hợp đồng lao động, trong đó tỷ lệ đóng góp của mỗi bên theo thỏa thuận. Nhà nước không can thiệp vào việc có hay không loại hình bảo hiểm này. Nguồn thứ ba là tiết kiệm hưu trí cá nhân. Nguồn này được hình thành trên cơ sở người lao động mở một tài khoản riêng và đóng tiền vào. Hệ thống BHHT ở Đức cũng bao gồm BHHT bắt buộc. Tại đây, BHHT bổ sung do DN lập ra theo hình thức không bắt buộc. Hiện ở Đức có khoảng 50% người lao động tham gia loại hình bảo hiểm này; ngoài ra còn có BHHT tư nhân do người lao động tự nguyện mua. Tại Pháp, lương hưu cơ bản chiếm 20-25% thu nhập của người về hưu, tiền lương từ nguồn hưu trí bổ sung chiếm 55-60%. Còn tại Thái Lan, lương hưu từ hưu trí cơ bản chiếm 60%, lương hưu từ hưu trí bổ sung chiếm 20%. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 80 nước trên thế giới đã triển khai BHHT bổ sung sau khi đã triển khai BHHT cơ bản bắt buộc. Trong khối APEC, chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai loại hình bảo hiểm này. Thực tế trên cho thấy, việc triển khai BHHT tự nguyện (bổ sung) với sự tham gia của DN sử dụng lao động và người lao động không chỉ làm gia tăng quyền lợi cho người dân khi đến tuổi hưu trí mà còn góp phần giảm tải áp lực cho NSNN trong việc xây dựng hệ thống lương hưu.
70% doanh nghiệp sẵn sàng mua bảo hiểm cho công nhân
Một điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện vào năm 2010 đối với gần 700 DN thuộc nhiều thành phần kinh tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 70% DN được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia quỹ hưu trí bổ sung cho người lao động. Xuất phát từ nhu cầu của người lao động và nhằm thu hút nhân sự chất lượng cao, nên mặc dù chưa có khung pháp lý cụ thể song nhiều DN đã tự hình thành quỹ BHHT bổ sung. Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài đã áp dụng chính sách BHHT bổ sung với hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, số tiền trích vào quỹ không được tính vào chi phí hợp lý của DN, khi nhận tiền, người lao động phải đóng thuế thu nhập theo quy định của Nhà nước. Chính điều này đã khiến người lao động làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam rất thiệt thòi và nguồn thu nhập của họ khi nghỉ hưu cũng giảm đáng kể.
Mô hình BHHT bổ sung được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho triển khai thí điểm từ tháng 1-2014. Cuối tháng 8 vừa qua, Thông tư hướng dẫn thực hiện BHHT tự nguyện đã được Bộ Tài chính ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các DN kinh doanh bảo hiểm và DN sử dụng lao động triển khai BHHT tự nguyện cho người lao động. Về lý thuyết, BHHT bao gồm BHHT cá nhân và BHHT nhóm. Trường hợp BHHT nhóm, bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Quyền lợi của người được bảo hiểm được quỹ bảo đảm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. BHHT bổ sung chỉ có sự tham gia trực tiếp của hai bên là người sử dụng lao động và người lao động, hoàn toàn tự nguyện. Tuy Nhà nước không tham gia trực tiếp vào quản lý hoạt động của BHHT bổ sung, nhưng sẽ quản lý việc đóng, hưởng, đầu tư quỹ, giám sát việc tổ chức thực hiện, có chính sách ưu đãi về thuế cho những đối tượng tham gia.
Theo Hương Ly/HNM
Bình luận