Thứ hai, 13/01/2025, 14:25 [GMT+7]

Triển khai Luật Bảo hiểm xã hội: Vướng như “gà mắc tóc”

Thứ sáu, 01/04/2016 - 07:59'
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (được thông qua ngày 20-11-2014) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, nhưng đến nay vẫn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết. Thực trạng này khiến chính các cơ quan chức năng lúng túng, còn người lao động không khỏi băn khoăn về quyền lợi của mình.

Nợ đọng văn bản hướng dẫn

Theo Quyết định số 112/QĐ-TTg (ngày 22-1-2015) của Thủ tướng Chính phủ về danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BHXH 2014, có 6 nghị định phải trình các cơ quan chức năng trong những tháng cuối năm 2015 song tiến độ thực hiện rất chậm. Đã qua thời hạn luật có hiệu lực nhưng nội dung giao Bộ Y tế quy định danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ BHXH; BHXH một lần đối với người đang bị một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng vẫn chưa có văn bản thay thế các quy định trước khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực. Bên cạnh đó, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (Bộ Quốc phòng chủ trì); Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về bảo hiểm hưu trí bổ sung (Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo) cũng chưa bảo đảm tiến độ đề ra.

Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết: Có tình trạng một số bộ, ngành cho rằng, văn bản hướng dẫn luật cũ vẫn phù hợp nên chưa cần ban hành văn bản mới. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi luật mới có hiệu lực thì tất cả văn bản hướng dẫn luật cũ đương nhiên không còn hiệu lực.

 

Người lao động làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” BHXH TP Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Băn khoăn quyền lợi khi tham gia BHXH

Luật đã có hiệu lực nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thực thi nên chưa thể đi vào cuộc sống và nhiều vướng mắc đã nảy sinh. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, khá nhiều người lao động quan tâm là tại Điều 96 Luật BHXH quy định: Sổ BHXH được cấp cho từng người lao động. Song với những lao động đang có vướng mắc với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cũ giải thể, phá sản, không còn hoạt động, người lao động không lấy được sổ BHXH cũ, không chốt được thời gian công tác trước ngày 1-1-2016 thì việc chốt sổ, cấp sổ mới cho người lao động thực hiện như thế nào? Người lao động có phải về doanh nghiệp cũ yêu cầu chốt và lấy sổ BHXH cũ không, hay chờ để được cấp sổ mới với thời gian đóng BHXH được ghi nhận đầy đủ trong sổ mới? 

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết thêm, cuối năm 2015 có tình trạng một số doanh nghiệp "bán chui" các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, dẫn đến doanh nghiệp cũ thì "lặn mất tăm", trong khi doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH nhiều tỷ đồng. Kết cục là người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi chưa được giải quyết, dù có bị ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc về hưu. 

Theo quy định mới của luật, các cấp công đoàn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực BHXH. Tuy nhiên, Luật BHXH đã có hiệu lực, nhưng Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) thì đến ngày 1-7-2016 mới có hiệu lực thi hành cũng tạo ra một khoảng trống pháp luật bắt người lao động phải chờ. 

Khoản 7, Điều 10 Luật BHXH đã quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH cho người lao động. Do đó ông Mai Đức Chính cho rằng, chính cơ quan này cần phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xử lý những vướng mắc nêu trên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi BHXH của người lao động.

Tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan về tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: "Tôi đi thực tế xuống địa phương thấy cơ sở vướng "như gà mắc tóc". Chúng ta cảm thấy chậm một tháng, một quý có vẻ không quan trọng nhưng người lao động lại chờ từng ngày, từng giờ. Trước mắt, nếu các bộ chưa kịp ban hành văn bản mới phải có văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định cũ, song đồng thời cũng phải xây dựng văn bản mới. Hướng dẫn thi hành luật không được gây khó khăn cho người lao động, không phát sinh thêm thủ tục mới thì mới bảo đảm được chính sách an sinh xã hội".

Theo Hà Phong/hanoimoi/06:37 Thứ Sáu ngày 01/04/2016

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...