Vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa: Tội ác rành rành, sao không xử lý?
Việc bốc xúc chất hóa học độc hại mới chỉ tiến hành được một phần. Ảnh: XH
Chỉ đạo quyết liệt, xử lý... từ từ
Sau khi báo chí phanh phui việc Cty CP Nicotex Thanh Thái chôn hàng trăm thùng phuy thuốc độc hóa học, lãnh đạo tỉnh vào cuộc chỉ đạo xử lý quyết liệt. Lần đầu tiên, ngày 23.9, UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp báo về xử lý một vụ việc riêng biệt. Ông Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo mạnh mẽ: “Quy trình xử lý chất thải nguy hại và nhất là thuốc sâu hết hạn, hoặc thuốc sâu cấm lưu hành đều là những thuốc rất độc nên không thể kéo dài được, yêu cầu phải xử lý ngay.
Tập trung ngay, đưa phương tiện kỹ thuật vào, đào đến đâu bưng đi luôn, kiểm kê xem nó là chất gì, bao nhiêu, khối lượng thế nào là chở đi luôn”. Liền sau đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tiến hành chăm sóc về sức khỏe, môi trường sống, quy trách nhiệm cá nhân, tập thể v.v…
Tuy nhiên, những chỉ đạo quyết liệt ấy đang được thực hiện một cách rất… từ từ. UBND tỉnh đã giao cho Cty Nicotex Thanh Thái và các sở ngành liên quan phải dứt khoát thực hiện việc bốc xúc chất hóa học độc hại chôn lấp trong vòng 26 ngày. Thế nhưng, 26 ngày trôi qua, công việc mới chỉ tiến hành được một phần, hơn 200 tấn chất độc được bốc xúc rồi dừng lại, vì Cty Thanh Thái không chịu chi tiền mà còn kỳ kèo mặc cả. “Còn nhìn thấy đống chất thải tội ác ấy ngày nào là chúng tôi không sao ngủ yên ngày đó” – anh Hồ Chí Thanh (Yên Lâm) nói.
Dân đau khổ, cán bộ có vô cảm?
Đến ngày 26.11, tất cả các mẫu chất độc được lấy lên từ các hố chôn vẫn chưa được cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa chuyển đi xử lý theo chỉ đạo. “Từng túi chất thải độc hại nói là phải mang đi xét nghiệm, nhưng vẫn còn nằm ở đây, chúng tôi cũng chẳng biết ra làm sao” – anh Lê Đình Tuyên (Cẩm Vân) bức xúc.
Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân sau một chuỗi hoạt động mang tính “chữa bệnh tinh thần” rồi cũng im ắng. Vẫn chưa có bất kỳ một chương trình y tế nào mang tính căn cơ, khoa học để đánh giá rõ tác hại của hàng trăm tấn chất độc đối với sức khỏe con người cũng như phòng, chống các căn bệnh người dân vùng ảnh hưởng mắc phải.
Người dân các xã bị ảnh hưởng biết rõ nước sinh hoạt đã bị nhiễm độc. Một nhà khoa học danh tiếng đã xét nghiệm mẫu nước giếng do PV Lao Động cung cấp cho hay, trong mẫu nước giếng này hầu như không phát hiện được vi khuẩn. Điều đó chứng tỏ nước uống đã bị nhiễm độc từ lâu. Vậy mà đến nay, chưa có bất kỳ lời giải nào về bài toán nước sạch cho dân. Dân biết độc nhưng vẫn phải uống.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 26.11, ông Nguyễn Đức Quyền cho hay, hơn 1 tháng trước, ông đã ký văn bản đề nghị Bộ NNPTNT nghiên cứu xây dựng nhà máy nước sạch cho 7 thôn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hỏi kết quả, ông lắc đầu: “Chưa nhận được phản hồi nào”.
Tính toán đền bù thiệt hại về sức khỏe, tài sản cho nhân dân vẫn chưa được quan tâm. Việc chuẩn bị khởi kiện Cty Thanh Thái đòi bồi thường vẫn do dân tự làm. Ngoài chính quyền xã Yên Lâm luôn vào cuộc cùng nhân dân, 2 xã còn lại thì thờ ơ đến vô cảm.
Ông Lê Văn Dạn – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vân - luôn nói: “Cứ từ từ, cái này không vội được”. Ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm - cho rằng, “mọi việc cứ phải chờ cơ quan chức năng”. Dân gửi kiến nghị lên lãnh đạo xã giúp dân kiện Cty Thanh Thái đòi bồi thường, ông Khôi làm văn bản yêu cầu nhân dân lên nhận lại đơn (?!).
Ai đang để chìm xuồng?
Ngày 27.11, ông Nguyễn Quang Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TNMT Thanh Hoá - cho rằng: “Đây là hành vi phạm pháp của người có hiểu biết, có học”.
Theo ông Thái, các ông giám đốc đời trước là Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Xuân Trường đều là sĩ quan quân đội, là người hiểu hơn ai hết tác hại của thuốc trừ sâu khi được chôn vào lòng đất. Ông Nguyễn Đình Thống – Giám đốc Cty Thanh Thái - cũng một mực đổ tội cho các ông Việt, Trường và quả quyết ông không cho chôn bất kỳ kilôgram chất độc nào. Bản thân các ông Việt, Trường cũng đã khai nhận với cơ quan điều tra là có chôn thuốc trừ sâu cực độc.
Hành vi vi phạm của các ông Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Xuân Trường đã rất rõ. Bằng chứng là hàng tấn thuốc trừ sâu nguyên chất được đào lên. Vậy nhưng, cơ quan CA tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể xử lý trách nhiệm với các ông này. Theo trung tá Trần Văn Thực – Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa - trong giao ban sáng 27.11, cơ quan này đã đánh giá lại quá trình xử lý vụ việc và xác nhận “chưa thể xử lý gì đối với họ cả”.
Theo ông Thực, Công an tỉnh Thanh Hóa đã mang cả hồ sơ vụ việc ra xin ý kiến chỉ đạo xử lý của Bộ Công an, nhưng vẫn chưa thể tìm ra hướng xử lý đúng.
Theo XUÂN HÙNG (laodong)
Bình luận