Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Không thể chỉ cảnh báo!
Một sự vô ý khi cải tạo mương thoát nước, đơn vị thi công đã đóng cọc vào cáp ngầm làm mất điện 46 trạm biến áp trên địa bàn Hà Nội và đây chỉ là một trong nhiều ví dụ… Những hiểm họa về mất an toàn vào mùa mưa bão, năm nào cũng được cảnh báo đến hộ sử dụng điện, nhưng rồi tai nạn thương tâm vẫn xảy ra.
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện diễn ra phức tạp tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Ảnh: Như Ý.
Ngày 16-9, trong thời điểm mưa to, sấm sét do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm đứt dây điện hạ thế và gây ra tai nạn điện tại thôn Văn Lãng, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nạn nhân là vợ chồng ông Nguyễn Khắc Hiền (sinh năm 1972) và bà Vũ Thị Nhung (sinh năm 1981) trú quán tại thôn Văn Lãng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Có điều, dù là nguyên nhân thế nào đi chăng nữa thì mất mát không gì có thể bù đắp. Mỗi trường hợp tai nạn xảy ra đều là những lời cảnh báo cho hơn nghìn trường hợp đang sống trong mối hiểm họa từ việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) ở Hà Nội và hàng chục nghìn trường hợp vi phạm trong cả nước, cho cả những người có trách nhiệm, nhưng vì nhiều lý do mà làm ngơ để các vụ vi phạm vẫn tiếp diễn.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gần 1.000 điểm vi phạm HLATLĐ. Vấn đề này đang là thực trạng nhức nhối đe dọa an toàn tính mạng của người dân trong từng mùa mưa bão. Thôn Thắng Đầu, xã Hòa Thạch là địa phương có nhiều vi phạm HLATLĐ nhất địa bàn Quốc Oai. Hiện có 17 hộ dân xây dựng công trình trong hành lang bảo đảm an toàn đường dây điện 110kV Quốc Oai - Thạch Thất. Khoảng cách gần nhất giữa đường dây với công trình của người dân Thắng Đầu là 3m. Ở xã Hòa Thạch, đường dây điện đã có từ năm 1999, thời điểm ấy, người dân ở cách quốc lộ khá xa. Khi con đường được nâng cấp mở rộng, nhiều hộ dân tiến dần ra mặt đường, thế là nằm trong hành lang an toàn của đường dây 110kV Quốc Oai - Thạch Thất. Khi được hỏi, các hộ ở đây đều trả lời, họ cũng rất sợ điện phóng mỗi khi trời mưa bão nhưng vì kế sinh nhai nên vẫn phải bám mặt đường. Chính quyền xã Hòa Thạch thừa nhận, còn buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt trong xử lý nên một số nhà dân đã vi phạm chỉ giới an toàn đường điện. Hiện xã chưa có cách nào giải quyết triệt để tình trạng này mà chỉ canh chừng không để người dân phát sinh vi phạm, ảnh hưởng đến sự an toàn của lưới điện cũng như tính mạng. Mặt khác, địa phương cũng đang kiến nghị với cấp có thẩm quyền di chuyển đường dây hoặc bố trí khu vực tái định cư cho các hộ vi phạm HLATLĐ 110kV. Ở mỗi tình huống vi phạm lưới điện trên địa bàn Thủ đô, dù khác nhau về mặt hình thức, nhưng có điểm chung là thường rất nặng, gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Để tăng cường xử lý các vi phạm về bảo vệ HLATLĐ cuối tháng 3-2014, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng như: Công an, Công thương, Điện lực và UBND các quận, huyện trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền và có kế hoạch để giảm tối thiểu 30% số điểm vi phạm. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm HLATLĐ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, ngày 26-4-2014, khi thi công công trình cải tạo mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu, đơn vị thi công thuộc Công ty TNHH Thành Đạt đã đóng cọc vào cáp ngầm 24kV lộ 480 E1.3 làm toàn bộ khu vực Vĩnh Tuy và một số trạm thuộc quận Hoàng Mai mất điện, ảnh hưởng tới gần 5.000 hộ dân trên địa bàn. Ngày 9-6-2013, tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, một chiếc xe Hyundai của Công ty CP Xây dựng Nam Anh, sau khi đổ đất, đã không hạ thùng xe xuống mà vẫn tiếp tục di chuyển và thùng xe đã vướng vào 2 đường dây 110kV, lộ 117, 118, tại cột 23, 24, truyền tải điện từ trạm biến áp 220kV Ba La đi trạm 220kV Mai Động khiến 2 đường dây cao thế này hư hỏng nặng; đồng thời khiến cho toàn bộ phụ tải từ 2 đường dây và các trạm biến áp này bị mất điện. Ước tính hàng nghìn hộ dân bị mất điện do sự cố trên.
Mất an toàn lưới điện cao áp vẫn là phổ biến và công tác bảo vệ, ngăn ngừa các sự cố mất điện vẫn đang gặp nhiều bất cập. Cuộc kiểm tra ngày 13-6 trên tuyến phố Hào Nam, quận Đống Đa nơi có khoảng 300m đường dây 110kV đi qua cho thấy, tình trạng vi phạm lấn chiếm HLATLĐ tại đây diễn ra khá tràn lan. Ngay dưới chân đường dây 110kV trạm Chèm - Giám (cột 173, 174), một số hộ dân nơi đây đã tự ý biến chân cột đường dây 110kV thành những mạng nhện với đủ thứ dây, lều bạt để kinh doanh... Thậm chí một số gia đình còn cơi nới nhà ở, treo các biển quảng cáo vi phạm về khoảng cách an toàn của đường dây này bất chấp những hiểm họa lơ lửng trên đầu.
Theo Thanh Mai/HNM
Bình luận