Xuất khẩu lao động Tân Uyên khó đạt chỉ tiêu
Nhiều nguyên nhân
Lãnh đạo UBND huyện Tân Uyên bàn giao lao động cho đơn vị tư vấn trước khi xuất cảnh sang thị trường nước ngoài.
Từ năm 2012 - 2014, huyện Tân Uyên được giao 30 chỉ tiêu XKLĐ. Với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, bản, 2 năm 2012 - 2013, huyện cũng chỉ thực hiện được 17 chỉ tiêu/năm (tương đương 56,7%). Trong quý I/2014, chỉ có 1 người duy nhất ở xã Mường Khoa đủ điều kiện xuất cảnh sang thị trường Malaisia. Nhiều khả năng năm nay chỉ tiêu về XKLĐ của huyện khó đạt. Tính đến thời điểm hiện tại, 3/9 xã, thị trấn của huyện là Nậm Sỏ, Nậm Cần và Tà Mít chưa có người XKLĐ.
Chị Bùi Thị Thùy - Phó Chủ tịch UBND xã Thân Thuộc cho biết: Các lao động trong xã thường không muốn ly hương do tư tưởng rụt rè, ngại va chạm khi phải xa gia đình, vợ/chồng, con cái trong 1 thời gian dài để đến đi ra nước ngoài. Trong khi đó, thị trường lao động nước ngoài buộc người lao động tuân thủ lịch làm việc quy củ, rõ ràng, nếu không đáp ứng được sẽ trừ lương hoặc bố trí công việc khác vất vả, thu nhập ít hơn. Đó là những nguyên nhân từ năm 2012 đến nay cả xã mới có 4 người XKLĐ ở nước ngoài.
60 - 70% tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan là kết quả kiểm tra tình trạng sức khỏe của những người đăng ký đi XKLĐ trung bình của huyện hằng năm cũng là 1 trong những nguyên nhân người lao động không đạt tiêu chuẩn XKLĐ. Với những người đáp ứng được tiêu chuẩn, khi huyện, xã, các công ty tư vấn về XKLĐ đến tuyên truyền, nhiều người hồ hởi, háo hức muốn đi và đăng ký ngay nhưng sau khi bàn bạc với gia đình, họ lại rơi vào tình trạng băn khoăn, do dự. Khi có quyết tâm nộp hồ sơ đi thì quy trình làm thủ tục nhanh nhất cũng phải 3 tháng mới hoàn tất nên sự chờ đợi tạo nên những áp lực, giảm ý chí muốn đi. Có trường hợp đến ngày xuất cảnh thì gia đình lại giục làm đám cưới.
Một buổi tuyên truyền cho người dân xã Nậm Sỏ.
Một nguyên nhân khiến bà con bị ảnh hưởng tâm lý, không muốn cho người thân đi do năm 2010, tình hình lao động xuất khẩu ở nước LiBi không đảm bảo an toàn nên từ đó đến nay công tác XKLĐ của huyện đã khó lại càng khó. Có xã 10 người đăng ký đi nhưng sau khi gia đình có ý kiến, cả 10 người đều xin rút hồ sơ.
Anh Lò Văn Xe (bản Nà Khoang, xã Phúc Khoa) sau khi hết hạn hợp đồng XKLĐ trở về quê hương đã tích lũy được nguồn vốn kha khá để xây dựng cho vợ con 1 ngôi nhà mái bằng vững chãi, có tiền nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, theo anh Xe, nhiều lao động ở tỉnh mình sang thị trường nước ngoài, khi có lương họ thường mở tài khoản tại nước đó (chủ yếu là Malaisia) bởi đơn vị chủ lao động thường trả lương qua tài khoản, chỉ cho ứng 1 khoản tiền nhất định hàng tháng để tiêu vặt. Đến khi hết thời hạn hợp đồng mới thanh toán hết số tiền còn lại nên không biết chính xác số tiền hiện có là bao nhiêu để báo cho gia đình yên tâm hoặc gửi về hỗ trợ gia đình. Có trường hợp nhận lương hàng tháng nhưng không muốn gửi tiền về, sợ gia đình tiêu pha không tiết kiệm nên không dành dụm được.
Vận động, tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt
Không thể có quy định để ra chế tài xử phạt bởi việc XKLĐ hay ở lại quê hương chỉ có thể xuất phát trên tinh thần tự nguyện. Bởi vậy, theo bà Lê Thị Tình - Phó Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên thì công tác lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đầu tiên phải tập trung làm thay đổi nhận thức cho đội ngũ cán bộ cấp xã. Đồng thời phải chỉ đạo các xã, thị trấn thực sự vào cuộc trong công tác truyên truyền, tư vấn, vận động lao động tham gia chương trình. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các xã cũng phải xác định công tác XKLĐ là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, từ đó có sự chỉ đạo quyết liệt hơn bằng việc giao chỉ tiêu cho từng đơn vị xã, thị trấn, đưa vào Nghị quyết HĐND để thực hiện hàng năm và nhiệm kỳ.
Lãnh đạo huyện Tân Uyên tiễn các lao động lên đường XKLĐ.
Hiếm hoi mới có trường hợp như anh Lò Văn Chăn (bản Phiêng Sản, xã Mường Khoa) sang thị trường lao động ở nước Malaisia làm nghề đánh bắt cá xa bờ, lâu mới vào đất liền nên chủ lao động đã thay anh gửi tiền về cho gia đình từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình trong xã nhìn thấy hiệu quả đã đăng ký đi. Trung tuần tháng 4 vừa qua, chị Lù Thị Lả (bản Phiêng Cúm) đã đến Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện để nộp hồ sơ đăng ký XKLĐ. Hay như anh Hoàng Văn Phượng (bản Nà Khoan, xã Phúc Khoa), sau 1 đợt XKLĐ trở về đã vận động 2 người là anh em, hàng xóm cùng đi.
Căn cứ tình hình thực tế, huyện cũng thường xuyên củng cố, kiện toàn hoạt động của các Ban chỉ đạo, Tiểu Ban chỉ đạo từ huyện tới cơ sở. Nhiệm vụ đóng vai trò then chốt, quyết định để đạt chỉ tiêu về XKLĐ là công tác vận động tuyên truyền. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền trong hội nghị, các buổi họp, trên loa đài, bằng tờ rơi, băng zôn, thông báo…, huyện xác định tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi theo phương châm "mưa dầm thấm lâu". Đồng thời sẽ tổ chức họp dân để tuyên truyền lồng ghép nhiều nội dung trong cùng 1 buổi họp để có nhiều người dân tham gia. Qua công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ chính sách, thông tin về thị trường lao động ngoài nước, về doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng XKLĐ hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, người dân cũng biết được lợi ích, hiệu quả của công tác XKLĐ đối với phát triển kinh tế gia đình.
Cũng theo chị Lê Thị Tình, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện sẽ tham mưu cho huyện lựa chọn những công ty, doanh nghiệp có đủ uy tín và năng lực để phối hợp tuyển lao động xuất khẩu. Đây cũng là giải pháp quan trọng để củng cố niềm tin đối với người có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài bởi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều thông tin người lao động bị lừa, vừa phải nợ ngân hàng với số tiền lớn lại không có việc làm để trả nợ. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường thêm đội ngũ cán bộ làm công tác XKLĐ, tổ chức tập huấn và tham quan thực tế để nâng cao năng lực chuyên môn; Gắn việc hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ với công tác thi đua khen thưởng ở các xã, thị trấn; Kịp thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng các điển hình tiến tiến trong công tác vận động, tư vấn lao động tham gia xuất khẩu đạt hiệu quả.
Với những giải pháp cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt, hi vọng công tác XKLĐ không chỉ giúp huyện Tân Uyên đạt chỉ tiêu giao hằng năm mà quan trọng là đời sống Nhân dân được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.
Thu Trang
Bình luận