Đơn giản hóa các nhóm TTHC quan trọng: Vì sao vẫn chậm trễ?
Vướng ở khâu phối hợp
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 9 vừa qua, 13 nhóm TTHC quan trọng, liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 9 Bộ CA, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ, NN&PTNT, Quốc phòng, TT-TT, Tư pháp, Y tế phải có phương án đơn giản hóa và cắt giảm 25% chi phí tuân thủ. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa TTHC cũng phải hoàn thành trước ngày 31-12 năm nay. Tuy nhiên, qua hơn 10 tháng thực hiện, mới có 6/9 bộ hoàn thành nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa là: GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ, NN&PTNT, TT-TT, Y tế. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH là Bộ đầu tiên trình Thủ tướng Chính phủ phương án đơn giản hóa đối với các nhóm TTHC, quy định liên quan đến chế độ ưu đãi về giáo dục đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Tây Hồ. Ảnh: Bảo Kha
Lý giải cho sự chậm trễ này, Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) nhận định, nguyên nhân chính là phối hợp chưa nhuyễn. Trong 13 nhóm TTHC giao cho 9 bộ, ngành triển khai thực hiện, Bộ NN&PTNT có 3 nhóm TTHC cần thực hiện liên quan tới gần như hầu hết bộ, ngành. Với Bộ Nội vụ, nhóm TTHC phải đơn giản hóa liên quan tới tuyển dụng, nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức thì cũng liên quan tới các bộ, ngành. Ngay cả 2 nhóm thủ tục phải đơn giản hóa liên quan đến lý lịch tư pháp, yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp - đơn vị "gác cổng" pháp luật của Chính phủ cũng chậm so với kế hoạch do gắn với TTHC thuộc phạm vi quản lý của 24 bộ, ngành. Khi các đơn vị này thống kê, tập hợp, rà soát TTHC chậm thì Bộ Tư pháp cũng không thể tổng hợp, sàng lọc, tham vấn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhanh.
Có cắt giảm được 25% chi phí tuân thủ?
Trong bối cảnh lực lượng cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC của các địa phương rất mỏng, sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa tốt, câu hỏi dư luận đặt ra là liệu mục tiêu đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ có được thực hiện đúng hẹn?
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan, chủ trương cải cách hành chính nếu được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhịp nhàng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Còn trong quá trình thực hiện, nếu có những chậm trễ, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Đồng tình với nhận định này, Trưởng phòng Tố tụng, Công ty Luật Lạc Việt, luật sư Lê Hồng Lam còn cho rằng, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ rà soát đơn giản hóa các thủ tục nhằm giảm bớt chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp thì có một thành tố quan trọng nữa cần chú trọng là xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ cán bộ thực thi công vụ. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết, bởi dù đã có những thành quả nhất định nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn còn gặp khó khăn ngay từ khâu xác định tên thủ tục (làm thủ tục gì, ở đâu, cần loại giấy tờ gì).
Minh chứng điển hình là mới đây, dư luận ngạc nhiên về công văn của chủ tịch một huyện và của chủ tịch một tỉnh về việc ưu tiên dùng đồ uống sản xuất trong tỉnh, cụ thể là bia, nước khoáng. Trước đó, một tỉnh khác cũng yêu cầu các công trình đầu tư ở tỉnh phải dùng xi măng của nhà máy tại tỉnh nhà. Những can thiệp hành chính này vi phạm Luật Cạnh tranh, hoàn toàn đi ngược lại tinh thần khuyến khích cạnh tranh bình đẳng của Chính phủ, thể hiện sự can thiệp quá mức của bộ máy nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Thế nhưng vẫn chưa thấy có văn bản nào điều chỉnh hay các điều khoản tiêu chí cụ thể liên quan đến quá trình giải quyết các TTHC của cán bộ trực tiếp giải quyết và các cá nhân liên quan...
Theo Hà Phong/hanoimoi/06:31 Thứ Ba ngày 15/12/2015
Bình luận