

Công văn nêu rõ: Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm 2025, trên đàn vật nuôi của cả nước đã xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm (A/H5N1) tại 04 tỉnh, thành phố, Dịch tả lợn Châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, Lở mồm long móng tại 7 tỉnh, Viêm da nổi cục tại 05 tỉnh; buộc tiêu hủy 18.926 con gia cầm và 5.200 con lợn; đặc biệt 20 người tử vong do bệnh Dại tại 13 tỉnh và có 80 động vật tại 22 tỉnh, thành phố buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh Dại.
Thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Kế hoạch số 4524/KH-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2025; Công văn số 752/UBND-KTN ngày 21 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2025, đồng thời thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch; kịp thời chỉ đạo và huy động các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn để tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả; tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ vụ Xuân hè cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi hiện có được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất. Phân công lực lượng cụ thể, chủ động giám sát dịch bệnh đến thôn, bản; kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện, trong phạm vi hẹp.
- Chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Mua bán, vận chuyển động vật mang mầm bệnh, vứt xác động vật chết gây lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các nội dung sau: Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại và khu vực có nguy cơ cao bằng vôi bột, hóa chất,... chủ động phát hiện và kịp thời xử lý khi có dịch bệnh mới phát sinh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình giấu dịch, chậm báo cáo, gây lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
- Đối với công tác phòng chống bệnh Dại động vật: Chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo; thống kê số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; quyết liệt xử lý tình trạng chó thả rông; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộcam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng/tổng đàn theo quy định; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại, nhất là trong công tác vận chuyển, quản lý chó nuôi và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại động vật.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
2. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc giám sát tình hình dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, xây dựng và triển khai vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh; kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phối hợp với các địa phương và các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
- Kịp thời tham mưu, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
3. Sở Y tế
- Tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác giám sát, điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch, truyền thông phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
- Tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ động vật có nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
4. Các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Công Thương; Chi cục Hải quan khu vực VII
Theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý, chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường; kịp thời ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp các tổ chức có liên quan đến hoạt động chăn nuôi về nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là gia súc, gia cầm, và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tính chất, mức độ nguy hiểm và biện pháp phòng, điều trị các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
6. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân về nguy cơ, mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và các bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của cơ quan Thú y, Y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan diện rộng.
Căn cứ nội dung Công văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.
Tin đọc nhiều

Thể lệ Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia "Tổ quốc bên bờ sóng" lần thứ 3

Đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi

Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025

Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Lai Châu năm 2025

Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025

Tăng cường công tác phòng chống tác hại của rượu bia

Tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

Chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025




_1730189146364.png)




