

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh Tư liệu)
Đây là kết quả tất yếu của sức mạnh tổng hợp, trong đó mũi tiến công quân sự với quả đấm của 5 cánh quân chủ lực là mũi quyết định trực tiếp, mũi tấn công chính trị, sự nổi dậy của quần chúng là nền tảng sức mạnh tổng hợp, tạo nên cục diện kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt gian khổ, giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Có thể nói, đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử chiến tranh trên thế giới, với ý nghĩa hết sức to lớn.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, công tác binh vận, địch vận, trí vận được tiến hành một cách đa dạng với nhiều mũi đột kích vào những đối tượng; có vai trò trực tiếp trong quá trình kết thúc cuộc chiến, góp phần thúc đẩy tình trạng sụp đổ nhanh chóng của toàn bộ cơ cấu và lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ban Binh vận Trung ương và Ban Binh vận Sài Gòn-Gia Định khẩn trương vừa chuẩn bị hành động ở các đơn vị, các trường huấn luyện của ngụy quân, vừa tính toán đến vai trò những “quân bài” chiến lược vốn đã được chuẩn bị từ rất lâu - đối tượng “chóp bu” chính quyền Sài Gòn. Ở nông thôn, sự nổi dậy của quần chúng nhiều nơi có sự góp sức của mũi binh vận. Còn ở đô thị, ở các đơn vị chủ lực, trại huấn luyện, cơ sở của ta phát động binh lính nổi dậy về với cách mạng góp phần gây hoang mang, làm náo loạn hàng ngũ ngụy quân, tạo điều kiện thuận lợi để quân chủ lực của ta tấn công.
Ban Binh vận chỉ đạo cơ sở nội tuyến trực tiếp tấn công một số mục tiêu chiến lược, hiệp đồng đúng thời điểm với các lực lượng khác, góp phần làm chuyển biến nhanh cục diện chiến trường; tiêu biểu như Đại úy Nguyễn Thành Trung, một nội tuyến ở sân bay Biên Hòa lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 đúng thời điểm, tác động lớn trong toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền trong lúc cả Mỹ ngụy đều đang hoang mang, dao động.
Ngày 28/4/1975, một biên đội Không quân Nhân dân Việt Nam do Đại úy Nguyễn Thành Trung dẫn đường, dùng máy bay A-37 thu được của địch xuất kích từ sân bay Phan Rang, bí mật bay về Sài Gòn thả bom đánh sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay các loại, phá hỏng nhiều đoạn đường băng khiến cho chiến dịch di tản đường không của Mỹ tại sân bay này bị hủy bỏ. Mỹ phải chuyển sang di tản bằng máy bay lên thẳng ngay trong thành phố.
Trong Quân chủng Hải quân của ngụy, nội tuyến của ta đánh hỏng 2 tàu ở bến Bạch Đằng, phá ụ nâng tàu tại căn cứ hải quân địch tại Sài Gòn, 1 tàu ở Tân Cảng, 1 tàu đang trên đường từ Sài Gòn ra Côn Đảo. Đồng thời, binh vận kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân và bộ phận truyền tin nước ngoài; nổi dậy chiếm đảo Phú Quốc, chiếm giữ 18 tàu, tiếp đó kêu gọi gần 40 tàu ngoài khơi trở về.
Trong Sư đoàn 25 bộ binh: chỉ đạo cơ sở Thiếu tá Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 50 khởi nghĩa, làm tan rã Thiết đoàn 10, buộc 1 đơn vị thuộc Sư đoàn 25 đóng ở Đồng Dù đầu hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho mũi tiến quân của lực lượng vũ trang cách mạng vào Sài Gòn. Ngoài ra, cơ sở nội tuyến đã đánh phá các kho bom đạn ở Long Bình, Biên Hòa, Cát Lái, kết hợp tấn công đúng thời điểm. Ta cũng chỉ đạo cơ sở nội tuyến làm tê liệt, tan rã, thúc đẩy đầu hàng từng đơn vị lớn, làm cho địch không thể điều khiển nổi lực lượng đề kháng. Cơ sở nội tuyến tham gia cùng lực lượng vũ trang tại chỗ làm nòng cốt cho quần chúng khởi nghĩa chiếm các căn cứ, kho tàng, đồn bốt địch, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang cách mạng tập trung diệt một số cứ điểm đề kháng, nhanh chóng giải quyết dứt điểm toàn bộ các đô thị, thị xã.
Tại vùng trọng điểm Sài Gòn-Gia Định có những hoạt động điển hình như: Chiều 29/4/1975, Đại tá, Chỉ huy phó Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ra lệnh tập trung quân vào trại, cất hết vũ khí, vô hiệu hóa các bãi mìn, “dọn sạch đường” cho quân chủ lực hành quân tiến qua trung tâm, đánh trại lính dù Hoàng Hoa Thám.
50 năm trôi qua, thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh càng cho thấy rõ những bài học kinh nghiệm về công tác binh vận, trí vận.
Sáng sớm ngày 30/4/1975, lực lượng nội tuyến của ta ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung tiến hành treo 400 cờ, phát hành Tài liệu về Chính sách 10 điểm cho lính Sài Gòn ở 4 trại Võ Tánh, Chu Văn Tiếp, Lê Lợi, Dương Mộng Hùng, kêu gọi lính rã ngũ, trở về với gia đình. Trung úy Trần Huệ Nhật - cơ sở nội tuyến, đảng viên, chỉ huy đại đội bảo vệ Bộ Chỉ huy cảnh sát Gia Định đã cùng cơ sở chiếm giữ Bộ Chỉ huy, làm tan rã bộ máy cảnh sát bên dưới, tạo thuận lợi cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền, khu vực trung tâm tỉnh Gia Định.
Cơ sở của mũi binh vận đã cùng địa phương chiếm lĩnh kho bom đạn ở Gò Vấp, Trần Quốc Toản, chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Gia Định, bốt Hàng Keo, Tòa Hành chính Gia Định, Bộ Cựu chiến binh, Tòa án Sài Gòn, Nha Động viên, Khu Truyền tin Thủ Đức, Nhà máy Nước, Cư xá Hỏa xa, Nhà máy BGI, Hải quân Công xưởng Ba Son, Tổng nha Cảnh sát.
Cùng với mũi binh vận, công tác trí vận cũng được đẩy mạnh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trí thức Sài Gòn-Gia Định (1) theo sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trí vận đã linh hoạt, nhạy bén tìm cách làm suy yếu hàng ngũ địch, nhất là đối với bộ phận “chóp bu” của chính quyền Sài Gòn, tập trung lực lượng đánh đổ ngụy quyền từ bên trên và từ bên trong, góp phần tạo nên “cục diện mới” để kết thúc chiến tranh.
Thành ủy, Ban Trí vận đã triệu tập các đảng viên và cốt cán làm công tác trí vận trong nội đô ra căn cứ để nắm được sự chỉ đạo của ta và biết linh hoạt, sáng tạo tìm cách làm suy yếu hàng ngũ địch, tập hợp lực lượng đánh đổ nguỵ quân nguỵ quyền từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Các ông Trần Ngọc Liễng, Phan Khắc Từ, Châu Tâm Luân, Chân Tín… cùng với các đảng viên và cốt cán của Ban Trí vận tích cực hoạt động bên cạnh Nội các Dương Văn Minh nhằm thúc đẩy chính quyền Sài Gòn sớm đầu hàng để tránh gây thêm đổ máu, thương vong cho nhân dân và thiệt hại cơ sở vật chất của thành phố.
Chiều 29/4/1975, Luật sư Triệu Quốc Mạnh, Chỉ huy trưởng Nha Cảnh sát Đô thành đã ra lệnh cho 16.000 nhân viên cảnh sát về nhà. Bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở cơ sở đã rệu rã, nay có lệnh này càng tan rã nhanh hơn.
Một số cơ sở an ninh của ta trong Bộ Tổng Tham mưu ngụy đã thu giữ chìa khóa và tài liệu để giao lại cho Quân giải phóng. Lúc này, Tướng Vĩnh Lộc - Tổng Tham mưu trưởng đã bỏ chạy. Ông Nguyễn Hữu Hạnh - cơ sở bí mật của ta là Trợ lý cho Vĩnh Lộc, “nắm quyền” chỉ huy quân đội. Ông đã ra lệnh cho binh lính không được phá cầu và báo cáo với Dương Văn Minh rằng tình hình quân sự hết sức đen tối để thúc đẩy ông Minh sớm tuyên bố đầu hàng.
Vào lúc 9 giờ 30 phút, Tướng Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi “Tuyên bố thành phố bỏ ngỏ” kêu gọi binh sĩ ngừng bắn, ở đâu giữ nguyên ở đó và kèm theo Nhật lệnh của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thay mặt Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ra lệnh cho binh sĩ quân đội Sài Gòn ngừng bắn, tức là án binh bất động. Đến ngày 2/5/1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng Nam Bộ cho tới các đảo xa như Côn Đảo, Phú Quốc…, chính quyền đã hoàn toàn về tay nhân dân.
50 năm trôi qua, thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh càng cho thấy rõ những bài học kinh nghiệm về công tác binh vận, trí vận. Công tác dân vận là chính sách lớn mang tầm chiến lược, không ngừng góp phần mở rộng và củng cố mặt trận đại đoàn kết dân tộc chống chủ nghĩa thực dân mới, chống chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nó không chỉ có giá trị lịch sử, có ý nghĩa thời đại sâu sắc mà còn có tác dụng giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đó cũng là những kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
(1) Luật sư Triệu Quốc Mạnh (đảng viên của ta ở bộ phận Trí vận) được Dương Văn Minh giao chức vụ Chỉ huy trưởng Nha Cảnh sát Đô thành. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh là cơ sở của Ban Binh vận Trung ương Cục, được Dương Văn Minh cử giữ chức Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Nguyễn Văn Diệp - cốt cán của ta được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Kinh tế.
Tin đọc nhiều

Thượng tá Trương Minh Đức được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu

Ngày 12/4/1975: Quân khu 9 tăng cường các cuộc tiến công vào các căn cứ địch

Khẩn trương trình ban hành Nghị quyết sắp xếp, sáp nhâp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Ngày 11/4/1975: Chiến trận ở Xuân Lộc diễn ra ác liệt

Quân chủng Hải quân kiểm tra tháng đầu huấn luyện tại Vùng 3 Hải quân

Hơn 300 cựu giáo chức được tuyên truyền Kết luận số 127-KL/TW

Bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII: Hội nghị lịch sử bàn quyết sách lịch sử









