

Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Với giải pháp công nghệ kết nối không dây, dự án "Yêu lắm Việt Nam" được triển khai ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Mục tiêu lâu dài của dự án nhằm tạo ra những trải nghiệm mới, độc đáo cho người dân và du khách như: Game thử thách để người dân và du khách check-in, hướng dẫn, hỗ trợ phân luồng khách, thông báo đến du khách những sự kiện quan trọng ở địa phương... Qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các địa danh lịch sử, địa điểm du lịch nổi tiếng... của tất cả các địa phương.
Cụ thể, ở các địa điểm có bảng gắn chíp, người dân, du khách chỉ cần đặt điện thoại thông minh có sóng internet sát với bảng gắn chip NFC theo hướng chỉ dẫn, trên màn hình sẽ tự động hiện lên đường link liên kết với trang web "Yêu lắm Việt Nam". Việc “check-in” ở các địa điểm này sẽ cho người dân, du khách biết được mình là người thứ bao nhiêu đã check-in tại địa điểm đó. Đồng thời cũng có thể xem lại được những nơi mình đã đi qua, check-in và thông tin ở các điểm đến đó.
Đến thờ vua Lê Thái Tổ nơi được lắp đặt bảng gắn chip của dự án "Yêu lắm Việt Nam".
Sau khi check-in và có được các thông tin như trên, người dân và du khách có thể đăng tải hình ảnh của bản thân cùng lời nhắn cho chương trình "Yêu lắm Việt Nam". Tất cả các hình ảnh và lời nhắn này sẽ được tập hợp và ghép lại thành một bản đồ Việt Nam với đầy đủ hình ảnh nhân dân ở mọi miền đất nước.
Đề trải nghiệm, người dân và du khách phải đến trực tiếp địa điểm gắn chip để thao tác, nhờ vậy đảm bảo được bảo mật. Các nội dung trên trang web "Yêu lắm Việt Nam" cũng được kiểm duyệt nghiêm trước khi đăng tải, bảo đảm văn minh, văn hóa du lịch trên không gian mạng.
Tại Lai Châu, hiện bảng gắn chip NFC đã được lắp đặt tại khu di tích lịch sử Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên; bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ và đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn. Đây là 3 địa điểm lịch sử văn hóa, du lịch nổi tiếng ở Lai Châu.
Bảng gắn chip được lắp đặt tại khu di tích lịch sử Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên.
Trong đó, bản Lướt là cái nôi nơi khai sinh ra Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Tại di tích này, ngày 2/12/1949, chi bộ đầu tiên của của Đảng bộ Lai Châu hiện nay ra đời. Việc Chi bộ Lai Châu ra đời khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương lúc bấy giờ. Và cũng từ đó, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lai Châu đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Trong thời gian hoạt động tại bản Lướt, các đồng chí trong Chi bộ Lai Châu được Nhân dân đùm bọc, yêu thương, che chở, giúp đỡ, bí mật nuôi giấu và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Chi bộ hoạt động, góp phần vào chiến thắng chống giặc ngoại xâm củadân tộc.
Năm 2009, Khu di tích Bản Lướt đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954. Hiện đây vẫn là “địa chỉ đỏ” có tầm quan trọng đặc biệt; đồng thời cũng là điểm đến hấp dẫn, có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Tương tự bản Lướt, Đền thờ vua Lê Thái Tổ cũng là địa chỉ lịch sử văn hóa lâu đời có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Tại đây đang lưu giữ bảo vật quốc gia là Bia Lê Lợi bản gốc. Bia được vua Lê Thái Tổ trực tiếp khắc lên vách đá Pú Huổi Chỏ bên dòng Đà giang vào năm 1431 sau khi người đưa quân ngược sông Đà đánh đuổi quân phản nghịch, dẹp loạn vùng Tây bắc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của đất nước.
Năm 1981, di tích Bia Lê Lợi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trước năm 2012, di tích Bia Lê Lợi nằm ở vách sườn núi thấp bên dưới của ven đường tỉnh lộ 127, mặt bia hướng xuống sông Đà. Do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, năm 2012 Bia Lê Lợi đã được khoan cắt, di dời ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên Đền thờ vua Lê Thái Tổ hiện nay cách vị trí cũ 500 mét. Năm 2016 thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Bia Lê Lợi là bảo vật quốc gia.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như: Thác Trái tim, Thác Tình yêu, Thác Ma Quai Thàng, đỉnh Ky Quan San, đỉnh Sơn Bạc Mây, Đá Sổ đỏ…, tất cả được bao bọc bởi núi đồi, rừng địa lan và ruộng bậc thang trải dài tít tắp. Cùng với đó là các giá trị bản địa như các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà trình tường... vẫn còn nguyên sơ.
Bảng gắn chip được lắp đặt tại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.
Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản văn hóa du lịch cộng đồng, hàng năm bản đón hàng vạn lượt khách du lịch ghé thăm, năm 2024 bản đã đón và phục vụ trên 30 nghìn lượt khách tham quan đến từ các địa phương trong cả nước và du khách quốc tế. Năm 2023 trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF, bản Sin Suối Hồ đã nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3; năm 2024 Sin Suối Hồ được đề cử tham gia bình chọn là “làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch ASEAN.
Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được triển khai tại Lai Châu sẽ góp phần bảo tồn, quảng bá các địa danh lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch thông minh hiện đại những bền vững. Qua đó lan tỏa hình ảnh đất và người Lai Châu đến với bạn bè trong nước và Quốc tế.
Tin đọc nhiều

Trekking chinh phục đỉnh hoa Đỗ Quyên - Sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Lai Châu
Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ II, năm 2025

Lai Châu - Miền quê đáng sống!

Bản đẹp Sin Suối Hồ và tiêu chuẩn kén chồng khoẻ của cô gái Mông

Công nghiệp không khói Lai Châu tự tin hướng mới

Du lịch Lai Châu hút khách dịp đầu xuân
Khai mạc Lễ hội Đua thuyền đuôi én, đua bè năm 2025
Khai mạc Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ năm 2025







