Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Lo “trăm hoa đua nở”, lãng phí
Trước nhiều băn khoăn, lo ngại việc Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn SGK sẽ dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"; có quá nhiều bộ sách sẽ khó tránh khỏi chuyện nhà sản xuất "đi đêm" với các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cam kết: "Trong lịch sử, Bộ chưa bao giờ viết SGK và tới đây sẽ không làm việc này. Việc chọn bộ sách nào là phụ thuộc vào phụ huynh, học sinh, giáo viên từng vùng, miền và các địa phương".
Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Bá Hoạt
Lo thiếu khách quan
Mở đầu bài phát biểu của mình, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Đoàn TP Hồ Chí Minh), với tư cách một phụ huynh có con đang độ tuổi đi học tỏ rõ sự băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT đứng ra thực hiện, xây dựng bộ SGK mới sẽ thiếu tính khách quan và sẽ "lấn lướt" các đơn vị khác cùng thực hiện. Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang phân tích, cách thể hiện trong đề án, cảm giác chỉ có Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn, các chủ thể biên soạn khác chưa rõ. Thực tế, đã có những cuốn SGK được tác giả biên soạn hấp dẫn hơn SGK của Bộ. Do đó, Bộ không nên đứng ra biên soạn một bộ SGK mà dành kinh phí này để đào tạo giáo viên, nâng cao cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn SGK cũng phải được cụ thể hóa trong đề án, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tốn tiền làm sách, nhưng khi sách ra lò lại không sử dụng được, lãng phí. "Một vấn đề nữa các em học sinh và cả phụ huynh rất sợ là chương trình SGK thay đổi liên tục. Tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lần đổi mới này thì "tuổi thọ" của SGK mới sẽ kéo dài bao lâu để tránh như trước đây, nhiều bộ SGK mới ra đời nhưng một thời gian ngắn sử dụng đã thấy lạc hậu bộc lộ rõ" - ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang nói.
Phân tích sâu hơn, ĐB Ngô Đức Mạnh (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, Bộ dự kiến có khoảng 4 bộ SGK, trong đó Bộ làm 1 bộ, 3 bộ giao cho tổ chức, cá nhân khác nên dư luận nghi ngại về sự cạnh tranh công bằng. Một số ý kiến đề nghị, nếu Bộ làm SGK thì các tổ chức khác tham gia biên soạn cũng phải được tạo điều kiện như đối với Bộ thì mới hợp lý. ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cũng phàn nàn, đề án Đổi mới SGK mà Bộ GD-ĐT trình QH chưa có báo cáo đánh giá tác động kèm theo như quy định của pháp luật khiến các ĐB thiếu cơ sở để bàn luận và lo lắng về chất lượng. Mặt khác, nếu không cải thiện được tình trạng 60 học sinh/lớp khó có thể nói đến thành công của chương trình SGK mới.
Cam kết không có cục bộ, lợi ích nhóm
Dành hơn 10 phút để giải trình các nội dung trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Ở các nước có nền giáo dục phát triển, công việc biên soạn SGK được làm một cách chuyên nghiệp do các viện nghiên cứu phát triển chương trình SGK với hàng trăm chuyên gia đảm nhiệm. Còn ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về chương trình SGK dù việc biên soạn, làm SGK là công việc rất khó khăn, tỉ mỉ.
Bộ trưởng cũng cho hay, xã hội hóa SGK cũng là một trong những phương án Bộ đề xuất Chính phủ duyệt để trình QH phê duyệt. Dự báo hai khả năng có thể xảy ra. Một là: Cơ chế xã hội hóa sẽ giải phóng sức sản xuất của xã hội, nhiều nhóm tập thể biên soạn, sách viết ra sẽ tốt, kịp thời. Hai là: Không có hoặc chưa có nhiều người tham gia, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu.
"Chúng tôi rất mong muốn khả năng thứ nhất. Nhưng kinh nghiệm lịch sử lại cảnh báo khả năng thứ hai rất dễ xảy ra. Vì vậy, phương án giao Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn một bộ sách, đồng thời không biên soạn các bộ sách khác là để chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Đây cũng là tính toán thận trọng, trong khi cái mới chưa xuất hiện thì không nên loại bỏ ngay cái đã có" - người đứng đầu ngành GD-ĐT phân tích.
Theo hướng đi này, Bộ GD-ĐT sẽ huy động các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia biên soạn chương trình SGK; lo tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện, lựa chọn nhân sự, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ quá trình biên soạn; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, tập huấn… Còn việc thẩm định SGK là do một hội đồng khoa học gồm các nhà giáo, chuyên gia không tham gia vào nhóm viết sách. Danh sách cụ thể phải được báo cáo Hội đồng Phát triển nhân lực quốc gia, Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT và Thủ tướng quyết định. Bộ căn cứ kết quả thẩm định để cho phép lưu hành những bộ sách đạt yêu cầu. "Ở đây tuyệt nhiên không có cục bộ, lợi ích nhóm. Trong lịch sử, Bộ chưa bao giờ tự làm sách giáo khoa, tương lai cũng thế" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng có nhiều cách để bảo đảm sự công bằng giữa các đơn vị viết SGK như, các giải pháp kỹ thuật. Việc quyết định một vấn đề hệ trọng của giáo dục nên bàn bạc, cân nhắc kỹ chứ không chỉ căn cứ vào sự bình đẳng về kinh tế.
Được cung cấp các thông tin khá chi tiết về hướng đổi mới SGK, song, các ĐBQH vẫn lo lắng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT "chẩn bệnh" của giáo dục còn đơn giản. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK để bảo đảm tính chủ động là hợp lý. Nhưng có đủ điều kiện, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hay không là vấn đề được đặt ra. Hơn nữa, cần có chế tài để ngăn chặn và tránh tối đa hiện tượng "đi đêm" trong lựa chọn sách. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, hầu hết yêu cầu trên đã được cân nhắc, thảo luận rất kỹ ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi bàn về đề án.
Theo Hải Hà/hanoimoi
Bình luận