Nhọc nhằn sự học Ngăm ca
Bản Ngăm Ca có 87 hộ với 259 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Đất canh tác ít, nhiều gia đình nghèo đói, túng thiếu. Tỷ Tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 trở lên cao. Có gia đình sinh tới 10 người con, đó là gia đình ông Phàng A Tủa. Đến nay, người con cả của gia đình ông mới 16 tuổi nhưng phải cùng với bố mẹ lo cho 9 em, trong đó, em út vừa tròn 8 tháng tuổi. Trong bản còn nhiều gia đình cũng lâm vào cảnh tương tự như vợ chồng ông Tủa và hệ lụy của việc sinh đẻ không có kế hoạch quanh năm đói nghèo, khiến các con lâm vào cảnh thất học.
Giáo viên tổ chức trò chơi cho học sinh tiểu học và mầm non bản Ngăm Ca (xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên).
Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn thiện nguyện của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Công ty TNHH số 10 vượt 500km đến với thầy trò nhà trường để tặng những món quà ý nghĩa trước khi mùa đông đến. Nhìn con trẻ chân trần nứt nẻ với những bộ quần áo mỏng manh trong tiết trời giá lạnh, sương mù bao phủ, không ai không khỏi chạnh lòng. Khi chúng tôi hỏi về tình hình duy trì sỹ số học sinh tại đây, cô giáo Lường Thị Thính (giáo viên lớp ghép 4 - 5 tuổi, điểm bản Ngăm Ca, Trường Mầm non xã Nậm Sỏ) cho hay, điểm bản Ngăm Ca có 51 học sinh. Công tác vận động học sinh đến trường và học tập chuyên cần tại bản nhiều lúc như thách thức sự kiên trì bám bản của giáo viên nơi đây. Cơ sở vật chất nhà trường đang được xây dựng nên năm học này, cô và trò học tạm lớp học cũ với hệ thống trường, lớp xuống cấp nghiêm trọng. Sân chơi cho các em vẫn là nền đất, mưa thì trơn trượt, đồ dùng, phương tiện vui chơi cho trẻ cũng thiếu thốn.
Theo lời tâm sự của các thầy, cô giáo, nhiều hôm đã đến giờ học nhưng lớp vẫn vắng, chỉ có lác đác vài học sinh nhà cạnh trường đi học sớm. Thời tiết ở đây sương mù nhiều, quanh năm mây phủ, nhất là vào những ngày mùa đông có khi tận trưa vẫn chưa thấy mặt trời. Các thầy cô phải đến từng nhà để thuyết phục phụ huynh cho các con ra lớp. Có hôm, giáo viên không khỏi thương xót khi chứng kiến bữa ăn của gia đình các em chỉ có nồi cơm với đĩa muối, không thịt, không cá, không rau. Vào mùa giáp hạt còn không đủ cơm để ăn. Mùa đông lạnh thế, nhưng các em không có dép để đi, nói gì đến áo ấm để mặc.
Không những vậy, các em học sinh dân tộc Mông đa phần hàng ngày chỉ giao tiếp với gia đình bằng tiếng dân tộc mình nên việc hiểu tiếng phổ thông nhiều hạn chế. Muốn truyền đạt kiến thức cho các em buộc giáo viên phải học nói tiếng Mông để vừa giảng bài bằng tiếng phổ thông, vừa dịch ra tiếng Mông thì các em mới hiểu. Tận tụy đưa con chữ lên non và với tình yêu thương học sinh như các con của mình, mỗi buổi đến lớp, các cô giáo vệ sinh tay, chân, mua cho các em từng đôi dép. Với học sinh nữ, các cô chải tóc và cột gọn gàng, dạy dỗ, chỉ bảo cho các em từng li, từng tí.
Theo cô giáo Hoàng Thị Mai (giáo viên lớp 1), điểm bản Ngăm Ca của Trường Tiểu học xã Nậm Sỏ có 54 học sinh từ lớp 1 - 3. Với học sinh mới bước vào lớp 1, các cô rèn luyện có phần vất vả hơn bởi hầu hết các em đều chưa quen với nề nếp, thói quen bậc tiểu học. Giáo viên phải tìm tòi các phương pháp dạy sao cho phù hợp để học sinh không cảm thấy chán học mà hứng thú, lắng nghe cô giáo giảng bài. Thường vào giờ tan học buổi sáng, những em nhà ở gần trường thì có thể về nhà ăn cơm, nhưng các em nhà ở xa, nếu trưa về nhà thì rất dễ bỏ học vào buổi chiều. Mỗi lần như thế, các thầy cô lại thay phiên nhau đi gọi từng em trở lại học. Để “giữ chân” các em, các giáo viên còn góp tiền mua thêm gạo, thức ăn nấu cơm cho các em ăn cùng để ở lại học đến hết buổi chiều.
Năm tháng trôi đi, các giáo viên nơi đây thật hiếm hoi thời gian để có cơ hội ra trung tâm huyện, được ngắm phố phường, đường phố thênh thang, bởi thời gian gắn bó với trường, với lớp đã chiếm gần hết giờ nghỉ của các thầy, các cô. Nhưng nếu còn thì cũng không đủ để các thầy, cô có thể vượt chặng đường gần 50km để ra đến chợ huyện. Ngày lễ, tết, những món quà, bó hoa hay lời chúc mừng… có lẽ chỉ là mơ ước của những nhà giáo nơi này. Trong câu chuyện với chúng tôi, có những cô giáo đã âm thầm giấu đi giọt nước mắt tủi thân bởi cô hết lòng chăm sóc cho con trẻ ở Ngăm Ca nhưng con của mình phải gửi lại cho ông bà ở quê. Và, chúng cũng rất cần bàn tay chăm sóc của người mẹ…
Bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương học sinh vùng khó, các thầy, cô giáo nơi đây đã phải chịu nhiều thiếu thốn, hy sinh để bám trường, bám bản, giúp 2 điểm bản duy trì sỹ số trên 90%, đặc biệt là giúp các em hòa nhập với môi trường học tập để yêu thích các môn học. Từ đó trang bị nền tảng kiến thức để các em tiếp tục học lên cấp cao hơn.
Tạm biệt Ngăm Ca, chúng tôi luôn mong rằng, chính quyền, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Uyên dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến vùng khó để thầy - trò nơi đây bớt đi những thiệt thòi.
THU TRANG
Bình luận