Thứ ba, 14/01/2025, 01:37 [GMT+7]

"Trắc nghiệm chỉ thành công nếu có đề thi chất lượng"

Thứ ba, 20/09/2016 - 08:36'
Theo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục và chuyên gia khảo thí, hướng lựa chọn các môn thi, tỷ lệ trắc nghiệm, tự luận của phương án thi quốc gia 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tốt, đúng xu thế chung. Tuy nhiên, một trong những phần cơ bản để phương án này thành công là đề thi. Liệu Bộ GD-ĐT có đủ khả năng, đủ thời gian để xây dựng ngân hàng câu hỏi với những đề thi chuẩn hóa, đánh giá đúng năng lực của học sinh?

Bên cạnh nỗi lo thi cử của thí sinh còn là những nỗi niềm đầy âu lo của phụ huynh và toàn xã hội. (Ảnh: Dương Mai)

Trắc nghiệm là đúng hướng

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, khi phân tích về hai phương pháp thi trắc nghiệm và tự luận đã cho rằng mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng. Nếu như trắc nghiệm thì trong thời gian ngắn cho đánh giá bao phủ, có ưu điểm là việc chấm thi khách quan, ít may rủi thì tự luận thì cho phép đánh giá được khả năng sáng tạo của thí sinh.

"Đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn, như Kỳ thi THPT quốc gia với hàng triệu thí sinh dự thi thì phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với phương pháp tự luận."

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp lý giải: Phương pháp trắc nghiệm nếu dùng thì chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng đề thi. Vì chấm thi không bị ảnh hưởng. Còn tự luận thì chất lượng của kỳ thi có bị phụ thuộc vào năng lực của người chấm. Chất lượng của đề thi thì chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, trong thời gian rất dài, nhiều năm, cho nhiều người tham gia, có thử nghiệm, sử dụng phần mềm…

Còn nếu dùng phương pháp tự luận thì trong thời gian ngắn, ví dụ như nửa tháng mà chấm nhiều bài thi thì không bao giờ có thể tìm đủ người giỏi để chấm. Cho nên dù đề tự luận có hay thế nào nữa thì khi chấm thi không thể nào tốt được, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng của kỳ thi.

"Không phải ngẫu nhiên thế giới, ở các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn người ta đều sử dụng trắc nghiệm là chính hoặc hoàn toàn trắc nghiêm, ông cho biết mình ủng hộ phương hướng lựa chọn các môn thi, tỷ lệ trắc nghiệm, tự luận của dự thảo phương án thi quốc gia 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Dự thảo của Bộ GD-ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có 5 bài thi, trong đó ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn thêm một bài thi nhóm Khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học xã hội (KHXH) hoặc có thể tham gia cả hai. Ngoại trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm.

Các bài thi KHTN và Khoa học xã hội KHXH là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cùng một số chuyên gia giáo dục tại buổi trao đổi về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 của Bộ GD-ĐT cũng lên tiếng ủng hộ việc Bộ GD-ĐT phương án áp dụng thi trắc nghiệm cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017.

TS. Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết khi tiếp cận với những cải tiến của kỳ thi 2017 của Bộ GD-ĐT đưa ra với những điều chỉnh, nhiều chuyên gia khảo thí đánh giá rất vui mừng.

TS. Sái Công Hồng phân tích: Xu thế của thế giới hiện nay là đánh giá theo những bài thi và Bộ GD-ĐT đã bắt đầu dịch chuyển từ môn thi sang bài thi, giúp giảm khả năng học lệch của học sinh. Nếu như theo cách thi theo môn trước đây khả năng học lệch, học tủ của thí sinh rất nhiều. Hiện nay, không riêng các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, mà các nước ở khu vực Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc đã đánh giá theo bài thi, họ cũng đánh giá theo 5 bài thi và thi trọn vẹn trong một ngày.

Phương án cải tiến của Bộ GD-ĐT đưa ra thi trong hai ngày, tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc thi trong bốn ngày như trước đây. Thời lượng bài thi trước đây bài thi tự luận 180 phút, nhưng thi bằng hình thức trắc nghiệm bài thi còn 90 phút. Đặc biệt, chúng tôi thấy vui mừng vì chúng ta áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại, và theo xu thế thế giới hiện nay là ứng dụng lý thuyết khảo thí hiện đại với ứng dụng CNTT” - TS. Sái Công Hồng nói.

Nói về những ưu điểm của phương án thi mới, TS. Sái Công Hồng cho rằng nếu thi đủ cả 5 bài thì sẽ đánh giá được đầy đủ năng lực của các thí sinh. Với kinh nghiệm tổ chức của ĐHQGHN trong những năm qua thì chúng tôi thấy hoàn toàn có thể phân hóa được thí sinh theo dải rất lớn mà một trong những yêu cầu của đánh giá là phải phân hóa được thí sinh. Thí sinh cũng không phải băn khoăn đề thi sẽ thế nào vì đã thi theo bài thi, mỗi thí sinh một bài thi khác nhau thì chuyện tiêu cực giảm đi rất nhiều.

Chuyên gia khảo thí cũng đánh giá phương án thi trên giấy của Bộ GD-ĐT cho đến thời điểm này là hợp lý vì tổ chức thi tại các địa phương thì lượng máy tính chưa thể đáp ứng được. Thứ hai bài thi sử dụng với ứng dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và có ứng dụng CNTT sẽ tránh được ý thức chủ quan của người chấm và khắc phục hạn chế tối đa tiêu cực trong khi chấm thi.

Đề thi sẽ thế nào?

Phương pháp trắc nghiệm đi kèm với những ưu điểm lại là những đòi hỏi gắt gao về quy trình làm đề thi. Liệu Bộ GD-ĐT có đủ khả năng, đủ thời gian để xây dựng ngân hàng câu hỏi với những đề thi chuẩn hóa, đánh giá đúng năng lực của học sinh?

Trả lời câu hỏi này, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng còn tùy thuộc Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thế nào. Phương hướng lựa chọn các môn thi như thế là tốt, lựa chọn phần trắc nghiệm, phần tự luận như thế là tốt. Còn tổ chức thế nào để có kỳ thi tốt phụ thuộc vào việc Bộ GD-ĐT có huy động được những chuyên gia có năng lực, hiểu biết về những vấn đề này tham gia vào kỳ thi hay không.

TS. Sái Công Hồng chia sẻ về kinh nghiệm trong thực hiện phương án thi đánh giá năng lực trên máy tính của ĐHQGHN. Theo đó, để thực hiện phương án này tốt thì kinh nghiệm của ĐHQGHN là đã phải có 3 năm để chuẩn bị rất kỹ càng, đặc biệt có lộ trình khoảng thời gian chi tiết cho từng nhiệm vụ một để làm sao vừa giám sát, vừa kiểm tra, vừa bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng cho kỳ thi.

Điểm nữa là đã là bài thi chuẩn hóa thì những câu hỏi thi phải được làm qua rất nhiều quy trình, đặc biệt là phải được thử nghiệm với đối tượng học sinh lớp 12, bảo đảm đánh giá đúng năng lực của các em với các câu hỏi ở nhiều mức độ khó…

TS Sái Công Hồng nhận định: “Nếu phương án được triển khai, đề thi thì chắc sẽ phải giao cho bên này (Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN - PV) thôi. Với khoảng thời gian ngắn như thế này mà Bộ GD-ĐT áp dụng thì sẽ phải vận dụng tối đa đề thi của ĐHQGHN. Bộ GD-ĐT phải sử dụng đề thi chuẩn hóa, không còn cách nào khác”. Riêng đề Ngữ văn thì có thể do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT làm như mọi năm.

TS Sái Công Hồng cho biết đơn vị của mình đang chờ nhận nhiệm vụ từ ĐHQGHN, trong trường hợp Bộ GD-ĐT có giao nhiệm vụ cho ĐHQGHN. Tuy nhiên, hiện Trung tâm cũng đã mang tâm thế sẽ là đơn vị hỗ trợ về: cấu trúc đề thi, thử nghiệm … cho kỳ thi và cũng đã sẵn sàng với sự chuẩn bị về chuyên gia, nhân lực, quy trình…

Cần lưu ý, hiện nay, bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG HN là dạng bài thi tổng hợp và hỗn hợp, còn bài thi đối với Kỳ thi THPT quốc gia 2017, theo dự tính, sẽ là bài thi tổ hợp. Đây sẽ là một trong những điểm khó khăn, bên cạnh việc mặc dù ĐHQGHN đã thu được thành công từ kinh nghiệm nhiều năm tổ chức thi Đánh giá năng lực nhưng, đó chỉ là ở diện hẹp, áp dụng mô hình này trên toàn quốc đòi hỏi tầm nhìn toàn cảnh hơn.

Theo LÊ HÀ/nhandan/Thứ Tư, 14/09/2016, 09:54:46

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...