Thay đổi trong mùa tuyển sinh đại học: có giảm hồ sơ “ảo”?
Tư vấn tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2015 tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ảnh: Bá Hoạt
Với 4 ngành được chọn, thí sinh có thêm cơ hội đỗ đại học, nhưng điều này cũng khiến các trường lo ngại bởi có thể phải đối mặt với tình trạng hồ sơ trúng tuyển "ảo", nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng tỷ lệ hồ sơ “ảo” có giảm hay không vẫn là hy vọng.
Lường trước nguy cơ
Năm 2015, ở đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh chỉ được đăng ký vào 1 trường với 4 ngành đào tạo. Quy định này được cho là không tạo thêm cơ hội cho thí sinh chọn được ngành học theo sở thích, có thể thí sinh dễ dàng vào được đại học nhưng không phải là ngành mà mình mong muốn.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, quy định mới, dù vẫn đưa ra 4 ngành để thí sinh lựa chọn nhưng cho phép họ được đăng ký ở 2 trường khác nhau trong cùng một đợt xét tuyển. Sự điều chỉnh này mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh đến với ngành yêu thích. Tuy nhiên, việc tạo thêm lợi thế cho thí sinh đồng nghĩa với việc các trường sẽ phải vất vả hơn trong việc kiểm soát số hồ sơ "ảo". Mối lo này đã được ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) dự báo.
Theo ông Mai Văn Trinh, phương án tuyển sinh nào cũng đều có mặt mạnh và mặt hạn chế. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, rất khó có được phương án tuyển sinh có thể thỏa mãn lợi ích của tất cả các bên, bao gồm thí sinh, phụ huynh, cơ sở đào tạo và toàn xã hội. Sự điều chỉnh cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, bên cạnh nhiều mặt tích cực, có thể sẽ khiến tỉ lệ hồ sơ "ảo" tăng lên.
Lường trước nguy cơ nói trên, khối trường công an và quân đội đã có một số quy định riêng để bảo đảm kiểm soát vấn đề hồ sơ "ảo". Cục Đào tạo - Bộ Công an đưa ra quy định thí sinh phải đăng ký nguyện vọng vào trường nào ngay từ khâu sơ tuyển. Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu đăng ký trường cụ thể từ khi sơ tuyển, nhưng thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1 vào trường quân đội trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Khuyến khích lập nhóm tuyển sinh
Không có các quy định riêng, các trường dân sự tuân thủ phương thức xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ hỗ trợ các trường đối phó với tình trạng hồ sơ "ảo" trong quá trình đăng ký xét tuyển bằng phần mềm quản lý thi. Bên cạnh đó, vốn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề hồ sơ "ảo", các trường thường xác định số trúng tuyển dôi ra một cách hợp lý căn cứ vào số lượng hồ sơ thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh của trường mình. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp thụ động và tỉ lệ hồ sơ "ảo" vẫn không thể giảm triệt để bởi trên thực tế, mỗi thí sinh vẫn có quyền đăng ký 2 trường với 4 ngành học. Các trường đại học vẫn đề xuất được chia sẻ thông tin chung từ dữ liệu tuyển sinh của Bộ để có thể nắm được tình hình đăng ký xét tuyển của thí sinh, qua đó xác định số trúng tuyển sát với chỉ tiêu, tránh tình trạng "ảo".
Với mục đích được chia sẻ thông tin từ dữ liệu tuyển sinh chung và có phương án tuyển sinh tốt nhất, một số trường đã tính đến phương án lập nhóm xét tuyển, như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông - Vận tải… Việc thành lập nhóm hiện đang được các trường bàn bạc, nhiều khả năng sẽ được quyết định trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, phương án nói trên có ưu điểm là giúp loại bỏ tình trạng tuyển "ảo" bởi các trường sẽ có cơ sở dữ liệu chung của nhóm, đồng thời các nhóm có thể đưa ra quy định về thứ tự xét nguyện vọng. Khi xét tuyển, nguyện vọng của thí sinh sẽ được xem xét theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì sẽ không được xét ở nguyện vọng tiếp theo.
Nếu áp dụng phương án tuyển sinh theo nhóm trường, các quy định có thể sẽ khác với tuyển sinh độc lập. Chẳng hạn, từng nhóm trường có thể cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 - 4 trường, miễn là không vượt quá 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển thứ nhất - như đã được quy định trong quy chế tuyển sinh hiện hành. Cần lưu ý là khi đã đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong một nhóm trường nào đó rồi thì thí sinh không được đăng ký thêm ở trường ngoài nhóm nữa, như vậy thì các trường sẽ không bị sa vào tình trạng "tuyển ảo". Trong khi đó, một trường hoàn toàn độc lập trong việc xét tuyển sẽ khó biết thí sinh trúng tuyển có chọn trường mình để học hay không.
Vì những lý do nói trên, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường phối hợp thành lập các nhóm tuyển sinh, đặc biệt là những trường có tính cạnh tranh cao, có nhiều thí sinh muốn vào học. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT hy vọng có một số nhóm trường vận hành tốt phương án tuyển sinh nói trên để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong những mùa tuyển sinh tiếp theo.
Theo Khánh Vũ/hanoimoi/ 07:17 Thứ Ba ngày 08/03/2016
Bình luận