Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học
Học sinh Trường THPT FPT (Hà Nội) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Hành vi lệch chuẩn
Trên phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp xuất hiện nhiều clíp học sinh phổ thông đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Các học sinh nữ cũng tham gia hành hung bạn với những biểu hiện đáng lo ngại. Đã có không ít vụ bạo lực do học sinh nữ gây ra rồi được quay lại và tung lên mạng như một cách thể hiện bản thân. Mới đây một nữ sinh tại Khánh Hòa vì lời hứa trên mạng xã hội đã dùng xăng châm lửa đốt trường. Điều đáng nói, rất nhiều học sinh chứng kiến nhưng không một ai ngăn cản mà cổ vũ, hò hét, kích động bạn thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi bạo lực học đường cũng xuất hiện ở nhiều nơi với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, làm tổn hại sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, và trong suy nghĩ của nhiều người, nhà trường không còn là môi trường an toàn, thân thiện nữa.
Theo kết quả nghiên cứu trên ba nghìn học sinh ở 30 trường THCS, THPT tại TP Hà Nội cho thấy, khoảng 80% số học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực trong trường học ít nhất một lần; 71% cho biết bị bạo lực trong vòng sáu tháng trước thời điểm khảo sát. Học sinh lứa tuổi vị thành niên dễ bị cuốn theo bạn bè vào những hành vi bạo lực từ những mâu thuẫn nhỏ. Do đó, các em đã vi phạm chuẩn mực đạo đức, nội quy trường học và cả quy định của pháp luật.
Phó Chánh văn phòng Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An Nguyễn Trọng Hoàn cho biết: Mặc dù các vụ việc xảy ra ở ngoài trường học nhưng khi có một vụ việc học sinh vi phạm đạo đức xảy ra thì trách nhiệm trước tiên thuộc về người thầy. Giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi và quan tâm học sinh, tạo cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, các trường phải phối hợp chính quyền địa phương, các cấp, các ngành để tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật để các em nhận thức được việc làm sai của mình và không tái phạm. Người làm công tác giáo dục phải nhạy bén và tham mưu kịp thời. Nếu để sự việc xảy ra rồi mới chữa thì hậu quả sẽ lớn hơn nhiều.
Đâu là giải pháp?
Theo TS Hoàng Gia Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), ở lứa tuổi học sinh phổ thông diễn ra những biến đổi to lớn về thể chất, tâm lý, các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Đây là lứa tuổi nảy sinh nhiều mâu thuẫn với bạn bè, thầy, cô giáo và với chính bản thân các em do thiếu kỹ năng sống, khả năng kiểm soát cảm xúc còn hạn chế. Vì vậy, lứa tuổi này dễ bốc đồng, bất chấp tất cả để thể hiện bản thân hoặc vi phạm các nội quy, quy định của nhà trường. Để khắc phục những hạn chế đó thì tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, giúp học sinh nhận biết được bản thân, biết được hành vi đúng, sai, xây dựng hệ giá trị cho bản thân, biết cách kiềm chế và lường trước những hậu quả có thể xảy ra khi ứng xử không đúng mực với những người chung quanh. Từ đó sẽ tạo ra môi trường học đường lành mạnh, thân thiện.
Tại các địa phương như Thái Nguyên, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh… việc thực hiện quy tắc ứng xử của học sinh, sinh viên do nhà trường ban hành được sự đồng thuận cao của cán bộ, giảng viên, sinh viên và học sinh. Điển hình như tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), quy tắc ứng xử văn hóa được nhà trường rất chú trọng, cụ thể hóa thành các văn bản, các quy định đối với cán bộ và sinh viên như: Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa học đường đối với học viên và sinh viên... Thông qua Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên đầu năm, đầu khóa, cuối khóa học, nhà trường lồng ghép các vấn đề liên quan công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho toàn thể sinh viên. Các trường mẫu giáo tại tỉnh Quảng Nam đã xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa và niêm yết công khai. Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh ban hành 10 Quy tắc ứng xử của sinh viên …
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Giáo dục đạo đức lối sống là vấn đề cần phải được quan tâm hơn và có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, xã hội, để thường xuyên quan tâm theo dõi, diễn biến đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang soạn thảo một Nghị định về xây dựng trường học an toàn thân thiện, lành mạnh để trình Chính phủ. Đó cũng là một căn cứ pháp lý để chúng ta tạo nên môi trường tốt trong trường học.
Theo Quỳnh Nguyễn/nhandan/Thứ Ba, 25/10/2016, 02:26:27
Bình luận