

Huyện Tam Đường có tiềm năng về đất đai, nguồn nước, khí hậu ấm áp, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, thích hợp phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê và lợn). Đảm bảo đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, nhân dân còn tận dụng diện tích bờ mương, ruộng, đất nông nghiệp kém hiệu quả trồng cỏ voi. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp các hộ chăn nuôi nắm vững phương pháp chọn con giống, kiểm soát dịch bệnh và tối ưu quy trình chăm sóc. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tăng cường kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại gắn với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Năm 2024, huyện phát triển mới 6 cơ sở chăn nuôi tập trung, nâng tổng số lên 58 cơ sở chăn nuôi tập trung. Tổng đàn gia súc đạt 39.100 con, tỷ lệ tăng đàn đạt 7,2%/năm.
Từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư trang trại quy mô khép kín. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường) được hỗ trợ 200 triệu đồng theo Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại, tổng diện tích hơn 300m2 chăn nuôi gia súc. Anh cũng đầu tư hơn 200 triệu đồng mua trâu về vỗ béo bán thịt. Duy trì nuôi từ 20 - 50 con gia súc, riêng năm 2024, gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi trâu thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường).
10 năm qua, gia đình chị Bùi Thị Liên ở bản Hoa Vân (xã Bình Lư) phát triển mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn, tập trung theo hướng hàng hóa. Gia đình chị thường xuyên duy trì nuôi trên 300 con lợn thịt. 2 năm gần đây, mở rộng quy mô chuồng nuôi 60 con bò Lai Sind, trong đó 30 con bò sinh sản và 30 con bò nuôi thương phẩm. Nhờ sử dụng công nghệ nuôi khép kín, đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại thu nhập cao. Gia đình chị còn thuê đất trồng 3ha cỏ voi VA06 để chủ động thức ăn cho đàn bò. Năm qua, gia đình chị thu lãi 600 triệu đồng từ chăn nuôi gia súc.
Theo chị Liên, gia đình chủ động bổ sung thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông để tăng sức đề kháng. Đăng ký tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ; vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đảm bảo nhiệt độ phù hợp với từng mùa trong năm.
Hiện nay, huyện Tam Đường đang khuyến khích người dân chăn nuôi theo hình thức khép kín, an toàn sinh học, phát triển đàn gia súc song song với phát triển nguồn thức ăn tại chỗ và bảo vệ môi trường. Và, chăn nuôi gia súc đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện giúp đời sống của hộ chăn nuôi cải thiện rõ rệt và hướng tới làm giàu.
Đồng chí Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường khẳng định: Để phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn định hướng hộ chăn nuôi tập trung, trang trại gắn với bảo vệ môi trường, trồng cỏ. Tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi mới. Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc của huyện tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước”.
Với nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, sự đồng hành của cơ quan chuyên môn huyện và nông hộ thay đổi tư duy làm kinh tế, chăn nuôi đại gia súc là hướng đi mới góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình và địa phương phát triển.
Tin đọc nhiều

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học đường

Huyện Tam Đường: Vượt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi
Giang Ma nỗ lực xoá nhà tạm, nhà dột nát

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Phụ nữ Tam Đường năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế

Điểm sáng trong học tập và làm theo Bác

Thi đấu các môn thể thao tại Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ II, năm 2025

Hội thi ẩm thực dân tộc, giã bánh giầy và thi nấu thắng cố







